TÓM TẮT

Trong suốt những thập kỷ qua, Mỹ nắm ưu thế vượt trội về hải quân trên khắp các vùng biển xa hay đại dương mở. Sự phát triển nhanh chóng của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân (PLAN) với khả năng hoạt động toàn cầu báo hiệu kỷ nguyên của Mỹ sẽ sớm chấm dứt. Việc Trung Quốc có khả năng triển khai sức mạnh và hoạt động đổ bộ trên toàn cầu là một thực tế chính trị mang tính nền tảng trong tương lai gần và gây ảnh hưởng lớn tới Mỹ và đồng minh. Những nước này cần sẵn sàng đối diện với "một Trung Quốc đã trỗi dậy" thay vì “một Trung Quốc đang trỗi dậy", đặc biệt trong lĩnh vực an ninh biển. Năng lực hải quân không ngừng lớn mạnh của Trung Quốc có những hàm ý khó nắm bắt, và quan trọng hơn là những tác động không thể xem nhẹ. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách an ninh của Mỹ và các nước đồng minh cần phải đánh giá kỹ lưỡng vấn đề. Nghiên cứu này đưa ra một số nhận xét và khuyến nghị quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách.

MỘT SỐ NHẬN XÉT CHÍNH

Trung Quốc sẽ là Cường quốc Hải quân Biển-Xanh vào năm 2030: Trung Quốc đang nhanh chóng chuyển từ cường quốc lục địa, chủ yếu tập trung vào các vùng biển gần, thành một siêu cường trên biển với khả năng hoạt động ở hai đại dương. Mối quan tâm của PLAN không chỉ giới hạn ở những vùng biển gần (san hai) - Biển Hoàng Hải, Biển Đông và Biển Hoa Đông - mà còn hướng tới Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Trung Quốc muốn thiết lập Ảnh hưởng Quân sự ở Ấn Độ Dương (Indian Ocean Region - IOR): Trung Quốc có lợi ích lớn trong việc duy trì sự lưu thông của các tuyến thương mại biển và môi trường chính trị khu vực ổn định bởi nước này phụ thuộc nhiều vào hoạt động vận chuyển năng lượng, hàng hóa qua IOR. Trung Quốc đến nay thúc đẩy những lợi ích này thông qua hoạt động ngoại giao và các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng quy mô - đáng chú ý là Sáng kiến "Một Vành đai, Một con đường", nhưng nước này cũng tìm kiếm ảnh hưởng về quân sự. Các dự án cảng biển lưỡng dụng, căn cứ quân sự ở Djibouti, và việc Trung Quốc triển khai nhiều binh sĩ tới khu vực cho thấy Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc quân sự ở IOR vào năm 2030.

PLAN Toàn cầu đưa đến cả Cơ hội Hợp tác và Cạnh tranh: Mỹ và Trung Quốc sẽ có cơ hội hợp tác mới, đặc biệt ở Ấn Độ Dương và Trung Đông, như hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai, chống cướp biển và các sứ mệnh khác tương tự. Hợp tác không thể dịch chuyển từ Ấn Độ Dương sang các vùng biển gần của Trung Quốc bởi Trung Quốc coi những khu vực này có những lợi ích to lớn về lãnh thổ. Ngược lại, cạnh tranh có khả năng lan rộng từ các vùng biển gần của Trung Quốc sang Ấn Độ Dương. Trung Quốc lo ngại Mỹ sẽ phong tỏa hoạt động thương mại ở Ấn Độ Dương và một kịch bản xung đột Trung - Mỹ leo thang theo phương ngang (xung đột gia tăng, lan rộng về địa lý - ND).

Năng lực Mới của Trung Quốc Làm Gia tăng Lo ngại Mỹ Bỏ mặc Đồng minh: Khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực của Trung Quốc sẽ phát huy ảnh hưởng nếu nổ ra xung đột ở các vùng biển gần như Biển Đông, Biển Hoa Đông và Eo biển Đài Loan. Nếu năng lực này kết hợp với khả năng triển khai sức mạnh biển-xanh và năng lực đổ bộ, Trung Quốc sẽ giành lợi thế rõ rệt trong các cuộc đối đầu với đồng minh và đối tác của Mỹ ở khu vực. Nếu Mỹ không thể đưa ra các biện pháp đối phó, diễn biến này làm gia tăng mối lo ngại bị bỏ mặc của các nước đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan dẫn đến việc họ sẽ có những khoản đầu tư không cần thiết, thực thi các chiến lược quốc phòng bất lợi thậm chí là xung đột đối với lợi ích của Mỹ.

Xu hướng Cạnh tranh tại vùng Biển-Xanh trong Tương lai giữa Mỹ - Trung: Khi Trung Quốc và Mỹ cạnh tranh trên các vùng biển xanh, không gian mạng có thể là một mặt trận quan trọng. Với sự hiện diện mở rộng trên quy mô toàn cầu, Mỹ dễ bị tổn hại hơn so với Trung Quốc trong một cuộc chiến không gian mạng.

CÁC KHUYẾN NGHỊ CHÍNH

Đánh giá Nghiêm túc về Thách thức trên Biển tới từ Trung Quốc: Năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực của Trung Quốc đe dọa sự hiện diện của Mỹ ở Đông Á và năng lực biển-xanh của nước này có nguy cơ tạo ra cạnh tranh mới trên biển. Chính quyền hiện nay của Mỹ nên đánh giá kỹ lưỡng khả năng này; và hiểu rằng Mỹ cần tái định hình chính trị thế giới, toàn cầu hóa cuộc cạnh tranh an ninh Mỹ - Trung; điều chỉnh học thuyết chiến tranh và các kế hoạch chiến lược để đối phó với PLAN có năng lực toàn cầu.

Đáp trả Việc Trung Quốc Thao túng Cán Cân Rủi ro: Hành vi chấp nhận rủi ro của Trung Quốc đã tạo một số lợi thế chiến lược cho Bắc Kinh khi đối đầu với một nước Mỹ dè chừng rủi ro. Để giải quyết sự bất đối xứng này, và đảm bảo rằng sự hiện diện của Mỹ ở khu vực không phải chỉ là để đối phó với Trung Quốc, Mỹ nên ngừng công bố trước các hoạt động tự do hàng hải, tiếp tục hoạt động của tàu sân bay bên trong Chuỗi Đảo thứ Nhất và triển khai tàu chiến thường xuyên ở Biển Đông.

Đầu tư Tăng cường Năng lực Biển của Mỹ: Mỹ cần đảm bảo rằng lực lượng hải quân biển-xanh và các binh chủng khác có đủ quy mô và chất lượng để đối phó với việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh hải quân. Trước việc PLAN có kế hoạch sẽ sở hữu 500 tàu vào năm 2030, Hải quân Mỹ cần lên kế hoạch sở hữu ít nhất 350 tàu. Mỹ cần củng cố năng lực cho Quân đội, Hải quân, Không quân để đáp ứng các nhiệm vụ phối hợp tác chiến trên biển.

Duy trì và Đa dạng Hóa Lực lượng Mỹ Triển khai Tuyến Đầu ở Châu Á: Cam kết về sự hiện diện tuyến đầu của quân đội Mỹ ở Châu Á sẽ trấn an các đồng minh, ngăn chặn Trung Quốc, và duy trì ảnh hưởng ở các tuyến đường biển huyết mạch. Để củng cố vị thế này, Mỹ có thể phải bổ sung các tàu đồn trú ở Guam và Hàn Quốc. Mỹ cũng nên tăng cường sự hiện diện về phía nam tới khu vực IOR bằng việc nâng cấp căn cứ Diego Garcia và đàm phán các thỏa thuận luân phiên quân ở Úc và Ấn Độ cùng các nước khác.

Thích ứng và Củng cố Hệ thống Đồng minh và Đối tác của Mỹ: Để giải tỏa những lo ngại của đồng minh, Mỹ nên tiếp tục tham vấn thường xuyên, tăng cường sự hiện diện của các lực lượng tuyến đầu và khuyến khích các nước này chia sẻ gánh nặng. Hệ thống đồng minh có thể được củng cố bằng việc tăng cường kết nối và tương tác nhiều hơn giữa các đồng minh và đối tác. Cuối cùng, việc mở rộng hợp tác và đối thoại an ninh với các nước đối tác ở IOR, đặc biệt là Ấn Độ, sẽ giúp Mỹ điều chỉnh lối hành xử trên biển của Trung Quốc.

Tìm kiếm Các Lĩnh vực Hợp tác: Mỹ nên thúc đẩy hợp tác với PLAN về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai, chống cướp biển và các sứ mệnh tương tự. Khi tìm kiếm những cơ hội hợp tác như vậy, Mỹ nên khuyến khích Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và các nước Châu Á khác tham gia vì các hoạt động như vậy không chỉ mang tính chất song phương.

Tham gia và Tăng cường Các Thể chế Đa phương: Hướng nguồn lực của Trung Quốc vào các hợp tác an ninh đa phương mang tính xây dựng. Mỹ nên tham gia vào các tổ chức đa phương, bao gồm các sáng kiến ​​của Trung Quốc như “Một Vành đai, Một Con đường” cũng như các sáng kiến ​​không phải Trung Quốc đưa ra ở IOR và Đông Á.

 CHƯƠNG 1

Giới thiệu

TRUNG QUỐC NỔI LÊN NHƯ MỘT CƯỜNG QUỐC BIỂN TOÀN CẦU

Mỹ đã thống trị các vùng biển xanh của thế giới trong nhiều thập kỷ. Cụm từ “Hải quân biển-xanh” thường dùng để chỉ một lực lượng có khả năng hoạt động trên khắp đại dương và các vùng biển sâu. Tuy nhiên, với sự trỗi dậy của Trung Quốc, ưu thế độc tôn của hải quân Mỹ ngày càng bị thách thức. Sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc biển theo đúng nghĩa của nó, cụ thể là có năng lực triển khai sức mạnh và tác chiến phức hợp, sẽ làm thay đổi cơ bản môi trường chính trị Châu Á và ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ và các nước đồng minh và đối tác. Đến năm 2030, lực lượng hải quân Trung Quốc (PLAN) có khả năng hoạt động toàn cầu [từ đây gọi là PLAN toàn cầu] sẽ là một thực tế chính trị quốc tế quan trọng, mang tính nền tảng và có tầm ảnh hưởng lớn. Do đó, điều cấp bách hiện nay là các nhà hoạch định chính sách an ninh của Mỹ và các nước đồng minh phải dự báo và đề ra phương án đối phó những tác động từ việc Trung Quốc tăng cường năng lực biển-xanh.

Trung Quốc đã đạt được những năng lực này một cách hệ thống. Nhìn chung, Bắc Kinh hạn chế đầu tư vào năng lực triển khai sức mạnh, và nói rõ rằng họ sẽ không thiết lập căn cứ ở nước ngoài cũng như các liên minh quân sự. Tuy nhiên, bất chấp những hạn chế này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn luôn ấp ủ về lực lượng hải quân biển-xanh.

Khát vọng về hải quân biển-xanh của Bắc Kinh bắt đầu từ đầu những năm 1980 khi Đô đốc Lưu Hoa Thanh, nguyên Tư Lệnh của PLAN và sau đó là ủy viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, đưa ra kế hoạch ba giai đoạn với mục tiêu xây dựng lực lượng PLAN toàn cầu được trang bị tàu sân bay và khả năng viễn chinh.[1] Trong những thập kỷ qua, chiến lược hải quân của Trung Quốc đã có bước phát triển từ việc chỉ tập trung vào khu vực bờ biển những năm 1970 tới các vùng biển gần trong những năm 1980 và cuối cùng là hướng tới những vùng biển xa. Nhu cầu về lực lượng biển xanh của Trung Quốc đã trở nên cấp bách từ hơn một thập kỷ trước, nhưng chỉ được tuyên bố chính thức nhất vào năm 2015 khi sách trắng của chính phủ, Chiến lược Quân sự của Trung Quốc, xác định mục tiêu đưa PLAN trở thành một "lực lượng mạnh trên biển" hiện diện “ở khắp mọi nơi trên thế giới."[2]

Tuy nhiên, bên cạnh các tuyên bố và báo cáo, chính hành động của Trung Quốc - đặc biệt là kế hoạch đầu tư dài hạn cho các năng lực quân sự mới - mới thúc đẩy chiến lược cường quốc biển trở thành hiện thực. Trên thực tế, cùng với sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, PLAN liên tục đầu tư vào chương trình hiện đại hóa quân sự với mục tiêu biến một đất nước có lịch sử chỉ tập trung vào lục địa trở thành một cường quốc biển. Trong lịch sử, Trung Quốc tập trung vào ba vùng biển gần (san hai), nhưng hiện tại nước này đang hướng tới chiến lược "hai đại dương". Điều này cho phép Trung Quốc thách thức Mỹ ở cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Để đạt mục tiêu đó, Trung Quốc đã tái cơ cấu PLAN, nâng tầm quan trọng của Hạm đội Nam Hải, đầu tư vào các nền tảng triển khai sức mạnh như tàu sân bay, tàu đổ bộ chở trực thăng, xây dựng tiền đồn quân sự ở Biển Đông, xây dựng căn cứ ở Djibouti - căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở ngoài lãnh thổ, và đầu tư mạnh vào phát triển các loại vũ khí chống tiếp cận/chống xâm nhập cũng như năng lực mạng và năng lực ngoài không gian. Những năng lực mới này cần nhiều thập kỷ để hình thành nhưng cuối cùng sẽ đạt tới mức cho phép Trung Quốc hoạt động ở các đại dương mở.

Sự hiện diện trên biển ngày càng tăng làm thay đổi hình ảnh và thậm chí cả lợi ích và mục tiêu của Trung Quốc. Bắc Kinh từ lâu tuyên bố sẽ tránh vết xe đổ mà các siêu cường từng mắc khi chuyển đổi sức mạnh kinh tế thành sức mạnh quân sự, nhưng việc nước tập trung đầu tư vào xây dựng lực lượng hải quân biển-xanh - có khả năng hoạt động rộng khắp và bên ngoài một khu vực đại dương - cho thấy tham vọng quân sự của nước này thực sự nghiêm túc. Nói tóm lại, lực lượng hải quân toàn cầu của Trung Quốc có thể là thực tế thay đổi cấu trúc chính trị trong giai đoạn tới. Điều này đòi hỏi các nhà chiến lược quốc phòng và hoạch định chính sách trên thế giới cần nghiên cứu kỹ lưỡng.

Báo cáo này giúp các nhà chiến lược quốc phòng và hoạch định chính sách hiểu rõ hơn tác động của việc Trung Quốc phát triển sức mạnh hải quân. Chương hai của báo cáo phân tích các nỗ lực xây dựng lực lượng hải quân toàn cầu của Trung Quốc, một ngày nào đó sẽ cạnh tranh với Mỹ ở những vùng biển quan trọng nhất trên thế giới. Chương này đánh giá sự phát triển trong chiến lược hải quân Trung Quốc, quá trình hiện đại hóa hải quân để hoạt động viễn dương, và cuối cùng là các nhiệm vụ lực lượng hải quân toàn cầu có thể đảm nhiệm. Chương ba tập trung vào cách thức Trung Quốc triển khai năng lực hải quân ở các khu vực khác, đặc biệt là Ấn Độ Dương và Trung Đông. Chương này cũng xem xét lợi ích của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương, ảnh hưởng chính trị và kinh tế của nước này ở đây, và cách thức đầu tư quân sự của Trung Quốc có thể tương tác tích cực hoặc cạnh tranh với sức mạnh hải quân Mỹ. Chương thứ tư đánh giá cách thức năng lực biển xanh của Trung Quốc tác động trực tiếp đến các nước đồng minh và đối tác của Mỹ. Điều có vẻ nghịch lý nhưng rất quan trọng là năng lực biển-xa của Trung Quốc sẽ phát huy ảnh hưởng ở vùng biển-gần đối với Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Chương này sẽ phân tích những tác động, hạn chế địa lý ở vùng biển gần đối với nỗ lực phát triển hải quân biển-xanh của Trung Quốc, và khả năng Nhật Bản sẽ đáp trả bằng việc phát triển hải quân biển-xanh. Chương năm đánh giá tương lai cạnh tranh của hải quân biển xanh Trung - Mỹ. Chương này đặc biệt quan tâm đến cách thức cạnh tranh không gian mạng định hình cuộc cạnh tranh trên biển xanh. Chương sáu và cũng là chương cuối cùng sẽ đưa ra các khuyến nghị cụ thể với mục đích thúc đẩy các cuộc thảo luận mang tính xây dựng về chính sách và về chiến lược dài hạn trong chính quyền Trump, trong Quốc hội Mỹ, ở Nhật Bản và các nước đồng minh và đối tác khác của Mỹ.

CHƯƠNG 2

Sự Phát triển của Hải quân Trung Quốc

CHIẾN LƯỢC, NĂNG LỰC VÀ CÁC NHIỆM VỤ CỦA PLAN TOÀN CẦU

Khi Trung Quốc trỗi dậy, các nhà lãnh đạo nước này muốn xây dựng một lực lượng hải quân tương xứng với vị thế quốc gia và lợi ích ngày càng mở rộng.[3] Một phần trong nỗ lực này là việc Trung Quốc tích cực mở rộng quy mô hải quân. Nước này nhanh chóng trở thành một trong những nước đóng tàu hàng đầu thế giới, trên cơ sở kết hợp giữa các công ty tư nhân và nhà máy quốc doanh, và cả gian lận thương mại để duy trì tốc độ hiện đại hóa hải quân nhanh chóng của mình.[4] Những biện pháp mạnh mẽ này đem lại những thành công đáng kể và hải quân Trung Quốc giờ đây có lẽ đã là lực lượng lớn thứ hai thế giới. Đến năm 2015, Trung Quốc ước tính sở hữu hạm đội gồm 330 tàu mặt nước và 66 tàu ngầm. Đến năm 2030, nếu xu hướng hiện tại hóa này tiếp tục duy trì, Trung Quốc sẽ có một hạm đội gồm 432 tàu mặt nước và 99 tàu ngầm - lớn hơn nhiều so với hạm đội của Mỹ.[5]

Câu chuyện hiện đại hóa hải quân Trung Quốc không chỉ là cải thiện số lượng mà còn là nâng cao đáng kể chất lượng. Từ năm 2000, Trung Quốc tập trung ngày càng nhiều vào năng lực biển-xanh, bắt đầu bằng việc thử nghiệm sứ mệnh biển-xanh ở Chuỗi Đảo thứ Nhất và thứ Hai trước khi tiến tới triển khai hoạt động phức tạp và thường xuyên hơn ở vùng biển xa.[6] Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đầu tư phát triển những năng lực cần thiết cho việc triển khai sức mạnh biển-xanh và đổ bộ ở các vùng biển xa. Một nhà quan sát Mỹ đã viết:

Trung Quốc đang xây dựng các thành tố trong triển khai sức mạnh - không quân của tàu sân bay, tên lửa tấn công hành trình trang bị cho tàu khu trục đa nhiệm, và các lực lượng đổ bộ - khi hợp thành lực lượng tác chiến có sức mạnh rất đáng tin cậy. Đến năm 2020, Trung Quốc sẽ có năng lực đổ bộ hiện đại thứ hai thế giới (sau Mỹ), và có khả năng triển khai được từ 5.000-6.000 lính thủy đánh bộ cho các hoạt động ở mọi nơi trên thế giới.[7]

Xu hướng này đánh dấu sự thay đổi cơ bản trong chính trị thế giới, khi hải quân Trung Quốc có khả năng triển khai sức mạnh và tiến hành đổ bộ như Hải quân Mỹ trên các vùng biển mở. Chương này phân tích sự phát triển nhanh chóng của hải quân Trung Quốc theo ba phần: (1) phân tích sự phát triển trong chiến lược hải quân Trung Quốc; (2) quá trình hiện đại hóa hải quân hiện nay của Trung Quốc; (3) và triển vọng tương lai của các sứ mệnh hải quân Trung Quốc.

Sự phát triển trong chiến lược của PLAN

Trong lịch sử hiện đại, chiến lược và sứ mệnh hải quân của Trung Quốc đã mở rộng đáng kể, với mỗi thay đổi đi kèm trách nhiệm mới cũng như các yêu cầu tác chiến và năng lực mới. Cho đến những năm 1970, PLAN chủ yếu triển khai chiến lược "phòng thủ biển gần" giới hạn ở các khu vực ven biển. Trung Quốc thời điểm đó chỉ lên kế hoạch cho kịch bản trong đó chiến tranh trên bộ lan rộng ra khu vực ven biển. Cụ thể, nước này lo ngại rằng Liên Xô sẽ áp dụng chiến thuật đổ bộ ven biển khi xảy ra chiến tranh quy mô lớn trên đất liền.[8]

….

Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

VỀ CÁC TÁC GIẢ

Tiến sĩ Patrick M. Cronin là Cố vấn Cấp cao và Giám đốc Cấp cao của Chương trình An ninh Châu Á - Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS). Trước đó, ông là Giám đốc Cấp cao của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia (INSS) tại Đại học Quốc phòng Quốc gia. Tại đây ông cũng đồng thời phụ trách Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề quân sự Trung Quốc. Tiến sĩ Cronin đã có nhiều công trình nghiên cứu về các vấn đề khác nhau liên quan tới an ninh tại Châu Á - Thái Bình Dương, chính sách đối ngoại/quốc phòng Mỹ, và chính sách phát triển. Trước khi phụ trách INSS, TS. Cronin đảm nhiệm vị trí Giám đốc Nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London. Trước khi công tác tại IISS, TS. Cronin là Phó Chủ tịch Cấp cao và Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Năm 2001, TS. Cronin được bổ nhiệm làm Trợ lý Điều hành phụ trách Điều phối Chính sách và Chương trình - đây cũng là vị trí lãnh đạo thứ ba tại Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ. Tại đây ông phụ trách nhóm chuyên trách trong công tác xây dựng văn bản "Các thách thức Thiên niên kỷ cho Doanh nghiệp".

TS. Mira Rapp-Hooper là Học giả Cấp cao thuộc Chương trình Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương tại CNAS. Lĩnh vực chuyên môn của bà bao gồm các vấn đề an ninh tại Châu Á, chính sách và chiến lược răn đe, hạt nhân và chính trị liên minh. Trước đó bà là Học giả thuộc Chương trình Châu Á tại CSIS và là Giám đốc của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của CSIS. Bà cũng là Học giả Chương trình An ninh Hạt nhân Stanton tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại. TS. Rapp-Hooper là Học giả thuộc Chương trình Chính sách đối ngoại Ngắt quãng (Foreign Policy Interrupted) và Học giả David Rockefeller tại Uỷ ban Ba bên (Trilateral Commission).

Harry Krejsa là Học giả cộng tác tại Chương trình An ninh Châu Á - Thái Bình Dương tại CNAS. Ông Krejsa trước đây là chuyên gia phân tích chính sách cho Uỷ ban Kinh tế Chung của Quốc hội là nghiên cứu viên thuộc trung tâm Nghiên cứu các vấn đề quân sự Trung Quốc tại Đại học Quốc phòng Quốc gia. Ông cũng đã thực hiện một hoạt động nghiên cứu thực địa về chuyển giao chính trị tại Myanmar, mô phỏng các chương trình tập huấn chống khủng bố cho các quốc gia Đông Nam Á, và là Học giả Fulbright tại Đài Loan.

Alex Sullivan là Học giả Cộng tác tại Chương trình An ninh Châu Á - Thái Bình Dương tại CNAS. Tại đây ông tập trung nghiên cứu về quan hệ Mỹ - Trung, an ninh biển, hiện đại quân sự tại khu vực, và vai trò của năng lượng trong địa chính trị. Ông Sullivan cũng là nghiên cứu sinh tại Khoa Chính phủ tại Đại học Georgetown. Ông tập trung nghiên cứu về chính sách đối ngoại Mỹ, đàm phán quốc tế, an ninh quốc tế và khía cạnh kinh tế chính trị của chiến tranh.

Rush Doshi là Học giả Raymond Vernon thuộc chương trình nghiên cứu sinh về chính phủ của Đại học Harvard. Luận án tiến sĩ của ông tập trung vào giải thích biến số trong Đại chiến lược của Trung Quốc sau Chiến tranh Lạnh. Những vấn đề mà ông nghiên cứu bao gồm chính sách đối ngoại của Ấn Độ và Trung Quốc (ông có thể sử dụng thành thạo tiếng Quan Thoại và tiếng Hindi), và các sản phẩm nghiên cứu của ông đã được xuất bản trên The Wall Street Journal và các ấn phẩm khác. Trước đây ông Doshi là nhà phân tích thuộc Nhóm Chiến lược Dài hạn, tại đây ông tập trung vào các vấn đề an ninh tại Châu Á – Thái Bình Dương; trước đó, với vai trò là nhà phân tích tại tổ chức Các cố vấn Toàn cầu Rock Creek, ông nghiên cứu về các vấn đề kinh tế quốc tế; ông cũng tham gia tư vấn cho Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng, tham gia nghiên cứu tại Học viện Hải chiến, và là Học giả Arthur Liman tại Bộ Ngoại giao. Ông Doshi cũng là Học giả Fulbright tại Trung Quốc trong một năm, tại đây ông nghiên cứu về quan hệ Trung - Ấn. Ông tốt nghiệp Trường Woodrow Wilson, Đại học Princeton với ngành phụ là nghiên cứu Đông Á.

Báo cáo được đăng trên Chương trình An ninh Châu Á - Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS).

Yến Tiệp (dịch)

Trần Quang (hiệu đính)

Bài dịch thuộc bản quyền Nghiên cứu Biển Đông. Đề nghị chỉ được dẫn đường link, không đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập.



[1] Trích trong Srikanth Kondapalli, “China’s Naval Strategy,” Strategic Analysis, số 23 ngày 12/4/2008.

[2] China’s Military Strategy (Beijing: State Council Informa- tion Office, tháng 5/2015), https://news.usni.org/2015/05/26/ document-chinas-military-strategy. Bernard D. Cole đưa ra điểm này, China’s Quest for Great Power: Ships, Oil, and Foreign Policy (Annapolis, MD: Naval Institute Press, 2016), 5.

[3] Chuẩn Đô đốc Michael McDevitt, USN (Đã nghỉ hưu), Becoming a Great ‘Maritime Power:’ A Chinese Dream (Arlington, VA: Center for Naval Analyses, tháng 6/2016), 25.

[4] Andrew S. Erickson, chủ biên, Chinese Naval Shipbuilding: An Ambitious and Uncertain Course (Annapolis, MD: Naval Institute Press, 2016), 7.

[5] James E. Fanell và Scott Cheney-Peters, “Maximal Scenario: Expansive Naval Trajectory to ‘China’s Naval Dream,’” trong Erickson, Chinese Naval Shipbuilding, 270.

[6] Tlđd, 262.

[7] McDevitt, Becoming a Great ‘Maritime Power,’ v.

[8] Christopher P. Carlson và Jack Bianchi, “Warfare Driv- ers: Mission Needs and the Impact of Ship Design,” trong Erickson, Chinese Naval Shipbuilding, 21.