BẢN ĐỒ HỌC VỀ SỰ SỈ NHỤC QUỐC GIA VÀ SỰ XUẤT HIỆN CỦA HÌNH THÙ ĐỊA LÝ TRUNG QUỐC

William A.Callahan

Bản dịch tiếng Việt do BQT NCBĐ

 

Giống như một diễn viên lần đầu bước ra trình diễn trên sân khấu thế giới, Trung Quốc đã không ngừng tạo dựng hình ảnh quốc gia cho bữa tiệc ra mắt hiện tại của mình. Sau nhiều thập kỷ với đường lối ngoại giao cách mạng thách thức cả hệ thống quốc tế, kể từ thập niên 90, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã nỗ lực hành động nhằm xoa dịu những quan ngại của các quốc gia từng là mục tiêu của các hoạt động cách mạng của nước này. Trung Quốc là  một cường quốc “đang trỗi dậy hoà bình” hướng tới việc tạo nên một “thế giới hài hoà” là luận điệu mới nhất của Bắc Kinh trong nỗ lực giới thiệu Trung Quốc ra thế giới như một chú gấu trúc đáng yêu hơn là một con rồng háu đói.

 

Bản đồ là một phần quan trọng của việc liên tục tự tạo hình ảnh của bất kỳ một quốc gia nào. Như những tấm bản đồ Trung Quốc được nghiên cứu ở đây sẽ cho thấy, những đường biên giới rất cụ thể giữa không gian trong và ngoài nước là sản phẩm tự nhiên của các công trình biểu tượng từ địa lý học lịch sử và những thông lệ của ngành vẽ bản đồ Trung Quốc. Những tấm bản đồ này không chỉ dừng ở việc ngợi ca phạm vi chủ quyền của Trung Quốc mà còn rên xiết trước sự mất mát các vùng lãnh thổ quốc gia thông qua bản đồ về  sự sỉ nhục quốc gia. Theo cách này, những rắc rối địa chính trị của các đường biên giới tranh chấp được thể hiện bởi chính trị sinh học (biopolitics) ngẫu nhiên của các tập quán bản sắc.

 

Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới nhiều người, những người đã giúp tôi tìm kiếm bản đồ tại Thư viện Quốc gia Trung Quốc, Thư viện Quốc hội, Thư viện Anh Quốc, Giới học thuật Trung Quốc (Đài Loan), Đại học Harvard, Đại học Cornell, Đại học Hồng Kông Trung Quốc, Viện lưu trữ Hoover. Tôi muốn cảm ơn Manjari Chatterjee Miller, Richard J. Smith, Michael J. Shapiro, Gordon C. K. Cheung, Daniel Bertrand Monk, Sumalee Bumroongsook, David Kerr, Kirk W. Larsen, Robert J. Kibbee, và Min Zhang vì sự giúp đỡ và những nhận xét sâu sắc của họ. Nghiên cứu này được tài trợ bởi các trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc ở Đại học Durham và Đại học Manchester, Viện hàn lâm Anh Quốc, và Trung tâm học giả quốc tế Woodrow Wilson. Trừ khi được ghi chú, còn không tất cả các phần dịch từ tiếng Trung đều là của tôi.

 

Văn hóa công cộng 21:1

Bản quyền 2009 thuộc về Nhà xuất bản Đại học Duke

 



 

Bản đồ trong hình một và hình hai cho ta một cảm giác về những phức tạp trong sự can dự của Trung Quốc với thế giới. Bản đồ trong hình một là bằng chứng về Trung Quốc như một cường quốc thế giới đầy tự tin có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Nó vẽ hải đồ những hành trình của Đô đốc Trịnh Hoà triều Minh từ Trung Quốc tới (vùng mà chúng ta gọi ngày nay) Đông Nam Á và Ấn Độ Dương, và cuối cùng tới tận bờ biển phía đông của châu Phi. Điều đáng chú ý ở tấm bản đồ đặc biệt từ năm 1418 này mà một nhà sưu tập Trung Quốc đã phát hiện ra vào năm 2001 là nó cũng vẽ hải đồ hành trình của Trịnh Hoà đi về phía Đông,  hàm ý rằng vị Đô đốc này “đã khám phá” ra châu Mỹ trước cả Columbus.[1] Và như chúng ta biết, “khám phá ra châu Mỹ” là một phần biểu tượng chính trị của việc là một cường quốc.[2]


 


Nếu như tấm bản đồ trong hình một khẳng định một Trung Quốc tự tin hướng ngoại thì tấm bản đồ ở hình hai thể hiện nỗi lo sợ tan rã quốc gia của Trung Quốc. Tấm bản đồ này, được in trên bìa của cuốn sách theo chủ nghĩa dân tộc cao độ bán chạy nhất China’s Road under the Shadow of Globalization (1999) [Con đường của Trung Quốc dưới cái bóng của toàn cầu hóa], vẽ ra một Trung Quốc như nạn nhân của một âm mưu quốc tế nhằm chia cắt Trung Quốc thành một tập hợp của những quốc gia độc lập bao gồm Tây Tạng, Mãn Châu, Nội Mông, Đông Turkenstan và Đài Loan.[3] Các tác giả cho chúng ta biết đây là tấm bản đồ phổ biến ở phương Tây và có bản “gốc” tiếng Anh về sự chia cắt của Trung Quốc ở bìa sau và phần dịch tiếng Trung ở bìa trước. Do đó, tấm bản đồ này được xem là bằng chứng về kế hoạch của phương Tây ngăn không cho Trung Quốc đạt được vị thế chính đáng của nước này như một cường quốc chủ yếu trên vũ đài thế giới.

 

Mặc dù cả hai tấm bản đồ đều khẳng định tính xác thực của  chúng như là bằng chứng về sự khám phá của người Trung Quốc hay âm mưu của người phương Tây nhưng hóa ra không một tấm bản đồ nào đủ tính xác thực theo đúng nghĩa nó đáng phải thể hiện. Bởi vì nó hoàn toàn sai về niên đại và có nguồn gốc không rõ ràng nên đã có những nghi ngờ nghiêm túc về tính đúng đắn của tấm bản đồ khám phá thế giới – phần lớn mọi người hiện nay coi nó như một trò lừa bịp.[4] Mặc dù các tác giả của China’s Road [Con đường Trung Quốc] cho rằng đây là một tấm bản đồ phổ biến ở phương Tây, không một ai có thể tìm được xuất xứ của nó.[5]

 

Tuy nhiên, việc tìm kiếm “tính xác thực” đã bỏ qua điểm mấu chốt của những tấm bản đồ này: chúng chú trọng đến việc khẳng định hình ảnh chuẩn mực của Trung Quốc hơn là phản ảnh hiện thực. Hai tấm bản đồ này thể hiện một sự khao khát, truớc tiên theo nghĩa tích cực là giới thiệu Trung Quốc như một cường quốc thống nhất có tầm ảnh hưởng toàn cầu, và thứ hai theo nghĩa tiêu cực là điều mà Trung Quốc không hề mong muốn, nói như một thành ngữ phổ biến ở Trung Quốc từ đầu thế kỷ 20 là “bị chia cắt thành nhiều phần như một quả dưa.” Thật ra, điều này không có gì lạ, thậm chí rất nhiều bản đồ chính thức của Trung Quốc thực tế chỉ mang tính tưởng tượng và thể hiện mong muốn, vẽ vào những vùng lãnh thổ không thuộc quyền kiểm soát của quốc gia – nhưng có thể và nên là một phần lãnh thổ thuộc chủ quyền Trung Quốc: những tấm bản đồ của nước Cộng hoà nhân dân (CHND) Trung Hoa ghi nhận Đài Loan như một tỉnh của Trung Quốc, và cho đến tận gần đây, bản đồ của Trung Hoa Dân Quốc (ROC) vẫn bao gồm cả Nội Mông. Điều này minh hoạ việc những tấm bản đồ quốc gia không đơn thuần chỉ là sự phản ánh khoa học về lãnh thổ của “thế giới thực”; bản đồ còn là công cụ quyền lực mang tính kỹ thuật được sử dụng cho những mưu đồ chính trị. Ví dụ như, những sách bản đồ Trung Quốc từ đầu thế kỷ 20 đặc biệt thể hiện rằng nhà nước Cộng Hòa mới (thành lập năm 1912) cần có những tấm bản đồ quốc gia để biết chính xác nó đang cai trị cái gì.[6] Tiêu đề của một bài báo học thuật gần đây đã mô tả mục tiêu xuyên suốt của ngành vẽ bản đồ Trung Quốc: “Một thế kỷ trông đợi tổ quốc thống nhất.”[7]

 

Ở đây, tôi đi theo những người xem bản đồ và nghệ thuật vẽ bản đồ như những hành vi chính trị nhằm nỗ lực tạo ra cái mà Thongchai Winichakul gọi là “hình thù địa lý” quốc gia, vốn không “đơn thuần là không gian hay vùng lãnh thổ. Nó là một thành tố trong đời sống của một quốc gia. Nó là nguồn gốc của niềm kiêu hãnh, lòng trung thành, tình yêu….sự thù hận, sự có lý [và] cả sự vô lý.”[8] Giống như các sản phẩm nghe nhìn được sản xuất hàng loạt, những tấm bản đồ không chỉ là phản ánh khoa học của “hiện thực”; chúng còn tạo nên một bài diễn thuyết mang tính biểu tượng có thể hiệu triệu được cả quần chúng. Xét ở khía cạnh này, những tấm bản đồ không chỉ cho chúng ta biết về địa chính trị của các đường biên giới quốc tế; mà một khi mà chúng khắc họa không gian như một hình thù địa lý, chúng còn cho chúng ta biết về chính trị sinh học của các tập quán bản sắc quốc gia.

 

Do đó bản đồ và ngành vẽ bản đồ được sử dụng trong quản trị và đối kháng văn hóa ở Trung Quốc và Châu Á. Hiểu theo nghĩa này, khu vực này không phải là duy nhất, nó đang tham gia vào quá trình hiện đại hoá tư bản chủ nghĩa, trong đó các quốc gia cố gắng tương thích các biên giới về văn hóa và lãnh thổ không chỉ thông qua áp lực quân sự và kiểm soát tài chính mà còn bằng cách điều tiết các thông tục bản sắc. Do quốc gia không bao giờ có thể tiêu diệt được sự sinh sôi văn hóa, việc chống lại các nỗ lực tập trung hóa được thực hiện dưới hình thức tạo ra các sản phẩm văn hóa thay thế, bao gồm các tấm bản đồ thay thế khắc họa các hình thù địa lý thay thế khác nhau.[9]

 

Theo nghĩa này, việc tạo dựng và điều chỉnh hình thù địa lý là một kỹ thuật của “quyền lực sinh học” (bio-power). Như Michel Foucault giải thích, cụm từ này đã mở rộng khái niệm chính trị từ khía cạnh pháp lý của quyền lực là hạn chế hành vi thông qua đe dọa sự sống sang một cách hiểu tích cực hơn về quyền lực là nhấn mạnh đến sự vun bồi cho cuộc sống.[10] Chính trị sinh học đặc biệt hữu ích để hiểu sự xuất hiện của một đoàn thể chính trị quốc gia ở Trung Quốc bởi vì quốc gia này được biết đến như “con bệnh của Châu Á,” kẻ mà cần được cứu sống (jiuguo). Như chúng ta sẽ thấy, việc tái nhập các vùng lãnh thổ bị chia cắt (fenge) là cách thức chủ yếu của việc tưởng tượng ra – và sau đó là kiểm soát – hình thù địa lý của Trung Quốc theo một phương thức kết hợp chính trị sinh học và địa chính trị.

 

Chính vì vậy, các đường biên giới trong hình thù địa lý của Trung Quốc không rõ ràng, cũng không cố định; chúng phụ thuộc vào các sự kiện lịch sử và được dựng lên bằng các thông lệ của ngành vẽ bản đồ. Các đường biên giới của Trung Quốc là sản phẩm của xung đột và đấu tranh vì nước này đã trải qua những biến chuyển quan trọng, đầu tiên từ một đế chế sang một quốc gia-dân tộc ở đầu thế kỷ 20, và bây giờ là từ một quốc gia theo chủ nghĩa xét lại bị cô lập sang một siêu cường tích cực can dự khi bước vào thế kỷ 21. Do đó, tranh cãi về hình thù và kích thước chính xác của Trung Quốc không chỉ diễn ra ở các nước láng giềng có cùng chung khu vực biên giới với Trung Quốc mà còn ngay cả trong nội bộ Trung Quốc giữa các nhóm khác nhau, trong đó mỗi nhóm vẽ ra những tấm “bản đồ quốc gia” khác nhau để ủng hộ những hình thù địa lý ưa thích của mình. Trong khi việc phân tích cái nhìn của châu Âu và Mỹ về Trung Quốc để phê phán quan điểm của phương Tây về phương Đông khá phổ biến, bài viết này quan tâm nhiều hơn đến chính trị giữa các nhóm lợi ích về hình ảnh Trung Quốc trong khu vực riêng của nó, cái mà như chúng ta thấy nảy sinh từ xung đột giữa các bản đồ thời phong kiến Trung Quốc và bản đồ khoa học hiện đại.

 

Vì vậy, thay vì chỉ tìm hiểu địa chính trị của việc hình thù Trung Quốc đã thay đổi như thế nào khi bước vào thời kỳ hiện đại, những tấm bản đồ được thảo luận trong bài viết này sẽ nêu ra một loạt các vấn đề mang tính khái niệm. Để hiểu được hình thù địa lý của Trung Quốc, chúng ta cần bàn đến bản đồ học so sánh – nhưng thay vì so sánh Đông và Tây, chúng ta cần xem xét sự chuyển đổi khó khăn của Trung Quốc từ những hiểu biết không bị giới hạn về không gian và lãnh thổ thời cận đại tới những hiểu biết bị giới hạn về không gian và lãnh thổ ở đầu thế kỷ 20. Nói một cách đơn giản, tôi nghi vấn lập luận phổ biển cho rằng đã có một sự thay đổi từ khái niệm về giang sơn vô tận (jiangyu) của phong kiến Trung Quốc trước đây sang hiểu biết hiện đại về chủ quyền lãnh thổ giới hạn (zhuquan lingtu).[11] Những tấm bản đồ sẽ cho thấy hai khái niệm giang sơn thời phong kiến và chủ quyền lãnh thổ vẫn cùng tồn tại ra sao – thường là trong một sư va chạm sáng tạo – để vẽ lên hình thù địa lý của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa ở thế kỷ 21 theo sự tưởng tượng của người Trung Quốc.

 

Sự va chạm sáng tạo này khá rõ ràng trong một loạt bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia của Trung Quốc, mà như tôi lập luận đã tạo ra một liên kết giữa bản đồ học không bị giới hạn của phong kiến Trung Quốc và các bản đồ hiện đại về chủ quyền lãnh thổ của nước này. Những tấm bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia giúp chúng ta hiểu về sự xuất hiện hình thù địa lý của Trung Quốc vì chúng được tạo ra dành cho giáo dục phổ thông, ghi lại việc Trung Quốc “đã mất lãnh thổ” vào tay những kẻ xâm lược đế quốc như thế nào như khi nước này bị kéo vào thời hiện đại, bắt đầu bằng cuộc chiến tranh nha phiến năm 1840.[12] Tuy nhiên, những tấm bản đồ này không chỉ biểu lộ công khai những yêu sách chủ quyền mà Trung Quốc thèm muốn đối với nhiều vùng lãnh thổ lân cận. Tôi cho rằng những tấm bản đồ chuẩn mực này thực ra cho chúng ta biết nhiều về nền chính trị sinh học mong manh trong đặc tính mới của Trung Quốc như một cường quốc hơn là về địa chính trị của an ninh châu Á.

 

Để hiểu được hình thù địa lý của Trung Quốc xuất hiện như thế nào khi kết hợp hai khái niệm giang sơn phong kiến vô tận và lãnh thổ chủ quyền hiện đại, nên xem xét việc Thái Lan đã sử dụng ba chiến lược khác nhau để yêu sách nhiều nước chư hầu vào vùng lãnh thổ chủ quyền quốc gia của nước này như thế nào. Chiến lược đầu tiên để yêu sách các thuộc địa phong kiến vào vùng lãnh thổ quốc gia nhằm phủ định những khác biệt giữa không gian theo trật tự thứ bậc vô tận của lãnh thổ phong kiến và không gian thuần nhất nhất đã giới hạn của lãnh thổ có chủ quyền. Chiến lược thứ hai là tạo ra những câu chuyện về tính lãnh thổ thuộc chủ quyền Trung Quốc trong bối cảnh đời sống chính trị quốc tế hiện đại – đặc biệt là chủ nghĩa thực dân – trái ngược với lịch sử xâm lược phong kiến của chính Trung Quốc. Chiến lược thứ ba là lý giải tính lãnh thổ hoàn toàn theo lập trường riêng của Bắc Kinh, và do đó ngăn chặn bất kỳ quan điểm đối địch nào – từ Lhasa, Kashgar, hay Đài Bắc – mà có thể tranh cãi về phạm vi hình thù địa lý chuẩn mực của Trung Quốc. Như chúng ta sẽ thấy, ngành bản đồ học của Trung Quốc đã sử dụng cả ba chiến lược này để đưa lãnh thổ phong kiến triều Thanh thành lãnh thổ thuộc chủ quyền quốc gia của CHND Trung Hoa.

 

Bài viết này có hai mục tiêu cơ bản: (1) lý giải cách thức các bản đồ quốc gia hiện tại của Trung Quốc đã xuất hiện thông qua va chạm sáng tạo giữa lãnh thổ phong kiến không bị giới hạn và lãnh thổ có chủ quyền bị giới hạn, và (2) cho thấy cách mà bản đồ học về sự sỉ nhục quốc gia thể hiện chính trị sinh học của hình thù địa lý. Do đó, mục đích của bài viết  không phải là xác định đường biên giới chính xác của Trung Quốc về phương diện pháp lý hay không gian địa chính trị. Đúng hơn, bài viết cố gắng nghiên cứu những gì mà các bản đồ Trung Quốc của Trung Quốc có thể cho chúng ta biết về những hi vọng và những lo sợ của họ, không chỉ trong quá khứ hay hiện tại mà còn cho tương lai. Bởi vậy, việc phân tích không bị giới hạn ở những câu hỏi chuẩn mực của địa chính trị và những tranh chấp biên giới; nó nghiên cứu nền chính trị sinh học của việc hình ảnh mà Trung Quốc tự nhìn nhận mình tương tác với hình ảnh nước này nhìn nhận về thế giới như thế nào. Như tôi gợi ý sau này trong phần kết luận, những trải nghiệm thường là độc nhất vô nhị của Trung Quốc có thể cho chúng ta thấy bản đồ học có vị trí quan trọng như thế nào trong cuộc đấu tranh về chính trị sinh học rộng lớn hơn của những hình thù địa lý.

 

Bản đồ học so sánh 1: Giang sơn phong kiến và lãnh thổ có chủ quyền

 

Những tấm bản đồ quy chuẩn dĩ nhiên không chỉ có riêng ở Trung Quốc. Mappamundi ở châu Âu thời trung cổ trước đây cũng mô tả không gian quy chuẩn: không phải thế giới như nó đang là mà là cái nó nên là. Chẳng hạn như, tấm bản đồ “châu Âu như một trinh nữ” (1592) cho thấy hình thù địa lý của châu Âu theo đúng nghĩa đen với Bán đảo I-bê-ria như phần đầu của nữ hoàng, Đan Mạch và I-ta-lia như hai cánh tay, với một tấm huy chương lớn phía trên trái tim của nữ hoàng ở Bô-hem-mia, nơi tấm bản đồ được tạo ra.[13] Bắt đầu từ thế kỷ 16, châu Âu đã sử dụng các bản đồ khoa học hơn nhằm chinh phục thế giới lẫn tạo ra bản đồ thế giới để chia thế giới thành những vùng lãnh thổ có chủ quyền được phân cách bởi các đường biên giới rõ ràng. Vì thế, Walter D. Migonolo lập luận rằng tính chính trị tượng trưng của việc vẽ bản đồ nhằm yêu sách không gian và chủ quyền đế quốc là phần cốt lõi của quá trình xâm lược thế giới, bởi vì bản đồ học mới mẻ này “thực dân hóa sự tưởng tượng” của cả người bị xâm lược và người đi xâm lược.[14]

 


Để hiểu được sự tác động qua lại của giang sơn phong kiến và lãnh thổ có chủ quyền trong bản đồ Trung Quốc thế kỷ 20, chúng ta cần chú ý đến bản đồ học thời kỳ cuối của phong kiến Trung Quốc. “Bản đồ không tiêu đề” ở hình 3 (1743) cho ta một ví dụ thú vị về một trong những loại bản đồ chủ yếu thời phong kiến Trung Quốc; nó phản ánh phong cách của một “Huayi tu” – bản đồ về sự văn minh và man di.[15] Nếu chúng ta xem xét kĩ hơn tấm bản đồ rộng lớn và phức tạp này, chúng ta có thể thấy rằng biên giới giữa các vùng lãnh thổ không nhiều bằng giữa các dân tộc và các nền văn hóa: dân tộc văn minh và những người man di. Loại bản đồ này cho thấy Trung Quốc ở trung tâm của thế giới, và thường chính là thế giới. Ở những tấm bản đồ như vậy, các quốc gia bên ngoài – thậm chí là cả Việt Nam và Ấn độ, chứ chưa nói đến Bồ Đào Nha, Anh quốc và Hoa Kỳ - dường như chỉ là những hòn đảo nhỏ và không đáng kể ở ngoài khơi Trung Quốc.

 

Rất khó để hiểu được những tấm bản đồ thời cuối phong kiến nếu bạn không biết về những quy ước của bản đồ học Trung Quốc – ngụ ý rằng việc đọc những tấm bản đồ chính xác hiện đại cũng không dễ dàng mà phụ thuộc vào những quy ước bất thành văn.[16] Nói một cách đơn giản, quy ước chính của bản đồ phong kiến Trung Quốc là trật tự thứ bậc. Những tấm bản đồ như vậy vẽ ra không phải là một không gian thuần nhất với chủ quyền và tính hợp pháp bình đẳng mà là một trật tự thứ bậc với các vòng tròn đồng tâm trong đó chủ quyền sẽ thu hẹp đi khi người ta đi từ kinh đô phong kiến ra những vùng ngoại vi của các châu huyện, các nước chư hầu, và cuối cùng là những vùng man di mọi rợ. Kết quả của kiểu bản đồ học này là các bản đồ của Trung Quốc thời phong kiến rất chi tiết ở trung tâm nhưng rất mơ hồ ở phần rìa ngoài. Thay vì những đường biên giới bằng đường vẽ đơn để xác định những vùng lãnh thổ có chủ quyền của hệ thống quốc tế Westphalia, bản đồ học phong kiến Trung Quốc thường vẽ một vùng lãnh thổ vô tận và mập mờ với những đường biên giới trống không hoặc chồng lấn.

 

Trong khi những bản đồ quy chuẩn ít khi thấy trong ngành vẽ bản đồ Âu-Mỹ, chúng có giá trị lâu dài ở Trung Quốc: bản đồ hiện đại thực sự đầu tiên của Trung Quốc dựa trên những khảo sát khoa học được phát hành cho công chúng vào năm 1934.[17] Do đó, bất kỳ sự phân chia rõ ràng nào giữa bản đồ có tính thẩm mỹ thời cuối phong kiến Trung Quốc và bản đồ khoa học hiện đại đều là sai lầm; Trung Quốc cho thấy một trường hợp mà bản đồ thế giới cổ (mappamundi) quy chuẩn của lãnh thổ phong kiến thể hiện và có phần trùng lặp với bản đồ học về lãnh thổ có chủ quyền hiện đại. Vì thế, bản đồ học Trung Quốc là sự kết hợp giữa hai thế giới khác biệt là vũ trụ học và địa lý học; các bản đồ Trung Quốc thế kỷ 20 là ví dụ điển hình về sức hút đồng thời của hai cách giải thích về vũ trụ hoàn toàn khác nhau: những đường biên giới mập mờ của giang sơn phong kiến và những ranh giới quốc gia rõ ràng của hệ thống quốc tế.[18]

 

Để lập biểu đồ sự xuất hiện hình thù địa lý của Trung Quốc, tôi đã phân tích một loạt các bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia của Trung Quốc được xuất bản lần đầu ở Trung Quốc trong khoảng thời gian ra đời của Trung Hoa Dân Quốc vào năm 1912 và cuộc xâm lược tổng lực Trung Quốc của Nhật Bản năm 1937, mà sau đó lại xuất hiện sau phong trào Thiên An Môn (1989) như một phần của chiến dịch giáo dục lòng ái quốc của CHND Trung Hoa. Những tấm bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia này quan trọng ở ba lý do. Thứ nhất, về mặt địa lý chúng thể hiện bất đồng giữa hai cách vẽ bản đồ Trung Quốc nêu trên; và vì thế cho thấy một liên kết sống động giữa bản đồ học của lãnh thổ phong kiến và lãnh thổ có chủ quyền. Thứ hai, chúng được xuất bản có chủ ý như một phần của những chiến dịch giáo dục lòng yêu nước để giáo hóa quần chúng. Trong thời kỳ Cộng hòa, những tấm bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia treo tường khổ lớn đóng một vai trò quan trọng trong việc xuất hiện giáo dục địa lý theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc; chúng được xuất bản bởi các ban ngành chính phủ, các hội địa lý, các nhà xuất bản thương mại để sử dụng trong lớp học và tiêu thụ trong dân chúng song song với những bản đồ quốc gia chính thống. Những tấm bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia được xuất bản khi bước sang thế kỷ 21 tương tự như vậy đều là những sản phẩm công cộng khác - một thành tố của chiến dịch giáo dục lòng yêu nước đa truyền thông của CHND Trung Hoa.

 

Thứ ba, những tấm bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia không chỉ đưa ra những yêu sách mang tính bành trướng và tham vọng đối với những vùng đất rộng lớn như là lãnh thổ quốc gia của Trung Quốc; chúng còn giải quyết được mối lo dai dẳng bị chia cắt của Trung Quốc, như đã thấy ở hình 2. Quả thực, nhiều người nhận thấy rằng nỗi ám ảnh về sự thống nhất không đơn thuần là một mối quan ngại hiện đại nảy sinh như sự phản ứng lại với lịch sử hiện đại đau thương của Trung Quốc, vốn cũng được xem là lịch sử xâm lược đế quốc của Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Trong khi triết lý Âu-Mỹ khẳng định một hiện thực khách quan chắc chắn - điều cần được phá bỏ, “thì ngược lại trường hợp Trung Quốc lại phản ánh một hiện thực phân tán mà luôn đòi hỏi tái cấu trúc.”[19] Kể từ khi bước sang thế kỷ 21, những tấm bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia tương tự ngụ ý rằng việc tìm kiếm “sự thống nhất vĩ đại” (da yitong) không chỉ là một phần văn hóa chính trị xuyên suốt của Trung Quốc mà còn tiếp tục là một trong những khung lý thuyết chủ yếu cho địa lý học lịch sử ở Trung Quốc.[20]

 

Để thấy được ba chiến thuật khác nhau của bản đồ học về sự sỉ nhục quốc gia đã định dạng hình thù địa lý của Trung Quốc như thế nào, chúng ta cần xem xét đến cách mà sự tác động qua lại của những hình ảnh tiêu cực và tích cực đã thực sự tạo lên bản đồ Trung Quốc mà chúng ta quen thuộc ngày nay như thế nào.

 

Xác định đường biên giới của Trung Quốc 1: Bên ngoài/Trong

 

Để hiểu được hình thù địa lý xuất hiện như thế nào thông qua tác động qua lại của giang sơn phong kiến và lãnh thổ có chủ quyền cần xem xét trên những bản đồ Trung Quốc phần bên ngoài xác định phần bên trong, và phần bên trong xác định phần bên ngoài như thế nào. Bản đồ chính thức đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc được xuất bản trong cuốn Niên lịch đầu tiên của nước Cộng hòa này (1912) minh hoạ một cách sinh động sự mập mờ của những đường biên giới Trung Quốc (Xem hình 4). Niên lịch này thực sự thú vị vì nó không đơn thuần chỉ liệt kê ngày tháng và nơi chốn. Niên lịch chủ động xác định một thời kỳ mới cho một Trung Quốc mới bằng việc xây dựng bộ lịch mới, hoàn chỉnh các bảng biểu để chuyển đổi ngày tháng từ lịch âm của phong kiến cổ sang lịch juliêng của nước Cộng hòa mới. Cũng như vậy, “Bản đồ nước Trung Hoa Dân Quốc” của Niên lịch tạo nên một không gian mới cho quốc gia-dân tộc non trẻ này; và cũng giống như lịch mới, bản đồ mới được “ban hành để thực thi.”[21]

 

 

 

 

Tuy nhiên, tấm bản đồ về Trung Quốc và các quốc gia châu Á láng giềng này không khẳng định đường biên giới rõ ràng giữa Cộng hoà Trung Quốc và các quốc gia có chủ quyền khác; thực sự khó để có thể phân biệt “Trung Quốc” và phần còn lại của châu lục. Do đó, tấm bản đồ giống với các bản hiến pháp đầu tiên của nước Cộng hoà Trung Quốc, tuyên bố rằng “vùng chủ quyền lãnh thổ của Trung Hoa Dân Quốc tiếp tục giữ nguyên như giang sơn của Đế chế trước.”[22] Tuy nhiên điều này đơn giản nêu lên vấn đề xác định giang sơn của triều Thanh – mà, như chúng ta đã thấy ở trên, dựa vào một cách thức vẽ bản đồ thế giới khác hẳn. Trong khi những bản đồ của đế chế Thanh trước đây được vẽ chấm theo cách đặc trưng với những chú thích bằng chữ, còn bản đồ thời Dân quốc thì chủ yếu để trống.[23] Trên tấm bản đồ quốc gia năm 1912 này, địa lý tự nhiên và kinh tế quan trọng hơn địa lý chính trị: những đường kẻ đánh dấu sông ngòi và đường xe lửa dễ nhận thấy hơn so với những đường xác định đường biên giới quốc tế. Do đó, tấm bản đồ chính thức đầu tiên của Trung Quốc cho thấy, ở đầu thế kỷ 20, việc lãnh thổ phong kiến của triều Thanh được vẽ trên bản đồ chủ quyền lãnh thổ của nước Cộng hòa mới như thế nào vẫn là điều chưa rõ ràng: nếu để ý kĩ hơn, chúng ta có thể thấy tấm bản đồ này đã yêu sách nhiều phần ở Trung Á, Đông Á và Đông Nam Á như vùng lãnh thổ bị mất của nhà nước Cộng Hòa. Trong khi những bản đồ phong kiến trước đây của triều Thanh đánh dấu những khu vực khác như những nước chư hầu, bản đồ trên Niên lịch của nước Cộng hòa đánh dấu Triều Tiên, Việt Nam và các vùng lãnh thổ khác như “vốn là chư hầu của nước ta, giờ là nước chư hầu của Nhật/Pháp/Anh.” Giống như trên “Bản đồ không tiêu đề” về sự văn minh và sự man di (1743), Trung Quốc là châu Á. Do đó, bản đồ quốc gia đầu tiên của Trung Quốc tái lập lại lôgic của bản đồ học phong kiến, khoanh các vùng lãnh thổ láng giềng như một phần giang sơn của Trung Quốc.

 

“Bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia của Trung Quốc” (1916, hình 5) và “Bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia của Trung Quốc” (1930, hình 6) minh hoạ một cách sinh động cả mối lo sợ chia cắt của Trung Quốc và tầm quan trọng của việc khẳng định một sự thống nhất mới thông qua nhà nước Cộng hòa.[24] Nhưng những tấm bản đồ này liên kết giang sơn phong kiến và lãnh thổ có chủ quyền theo một cách thú vị và đầy bất ngờ. Thay vì tập trung vào phần chính yếu địa chính trị của Trung Quốc và chỉ ra các vùng lãnh thổ khác đã bị tước đoạt như thế nào, bản đồ này làm điều ngược lại là nhấn mạnh phần bên ngoài xác định phần bên trong như thế nào. Với những cách thức tương tự như ở bản đồ Niên lịch (1912), Trung Quốc được mô tả giống như một vùng trống không, để trống và màu trắng, trong khi “những vùng lãnh thổ bị mất” được vẽ bằng màu sặc sỡ: tô bóng bằng màu đỏ tươi trên bản đồ năm 1916 và tô màu vàng và màu hồng trên phiên bản năm 1930.[25] Do đó những tấm bản đồ này làm nổi bật những đường biên giới của Trung Quốc theo một cách kỳ lạ. Bản sắc và tính lãnh thổ mang nghĩa phủ định: những tấm bản đồ nói cho bạn cái bạn không muốn trở thành, thay vì cái bạn muốn trở thành.

 

 


Điều quan trọng là, những tấm bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia này mỗi tấm lại vẽ lên một tập hợp “những vùng lãnh thổ bị mất” khác nhau. Thay vì sử dụng những khảo sát chính xác để làm sáng tỏ những đường biên giới lãnh thổ của mình, Trung Quốc viện đến sự ngẫu nhiên của địa lý lịch sử. Lẽ ra đường biên giới của Trung Quốc phải ổn định khi Trung Hoa Dân Quốc đã điều chỉnh để trở thành một quốc gia-dân tộc giữa các quốc gia độc lập khác trong một vài thập kỷ đầu của nước cộng hoà, hình thù địa lý của Trung Quốc trên thực tế lúc đó rất bất ổn. Như những khác biệt trong hai tấm bản đồ năm 1916 và 1930 cho thấy, không có một sự thống nhất rõ ràng về chính xác những vùng lãnh thổ đã bị “mất.” Những tấm bản đồ khác xác nhận rằng các yêu sách lãnh thổ của những tấm bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia của Trung Quốc thực sự đang mở rộng ra trong thập niên 20 và 30.[26]

 


 

Về khía cạnh kỹ thuật, những tấm bản đồ này đảo ngược lôgic thứ bậc của bản đồ phong kiến Trung Quốc về sự văn minh và sự man di. Sự tưởng tượng ở đây thay đổi từ trung tâm sang ngoại vi: phía bên ngoài xác định phía bên trong, và những vết thương đang rỉ máu xác định hình thù địa lý. Tổn thương từ sự sỉ nhục quốc gia tạo lên một cộng đồng quốc gia bằng cách vạch ra những đường biên giới mang tính quy chuẩn và mong muốn của nước này. Những bản đồ bán chính thức này rất quan trọng bởi vì chúng được tạo ra cho nhu cầu tiêu thụ đại chúng và giáo dục phổ cập. Như người vẽ bản đồ của “Bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia của Trung Quốc” (1930) giải thích, mục tiêu là “tạo lên những tấm bản đồ đẹp với những chú thích đơn giản….cái mang lại sự thích thú cho thanh niên….và khích lệ người dân yêu nước.”[27]

 

Xác định đường biên giới của Trung Quốc 2: Bên trong/Ngoài

 


Một tập hợp những bản đồ hiện đại khác của nhà nước Cộng hòa đã tái lập lại lôgic của bản đồ phong kiến theo một cách thức bên trong/ngoài trực tiếp và rõ ràng hơn. “Bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia của Trung Quốc” (1927, hình 7) tái khẳng định bản đồ học thời phong kiến với những đường tròn đồng tâm theo trật tự thứ bậc trên một bản đồ hiện đại.[28] Điều quan trọng cần chú ý là vòng tròn bao phía ngoài cùng yêu sách cả một vùng giang sơn phong kiến rộng lớn một cách lạ thường là lãnh thổ quốc gia thuộc chủ quyền Trung Quốc, được đề là “đường biên giới quốc gia cũ” – chứ không phải đường biên giới cũ của đế chế Thanh. So sánh với những bản đồ trong hình 5 và hình 6, “Bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia của Trung Quốc” này yêu sách một vùng lãnh thổ thậm chí còn lớn hơn là lãnh thổ quốc gia Trung Quốc. Giống như trên các tấm bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia “bên trong/ngoài” khác, một biểu hiện sinh động về “những vùng lãnh thổ đã mất” được bổ xung bằng một danh sách bằng chữ ghi “những vùng lãnh thổ đã mất” trong một hộp khung ngay trên bản đồ.[29] Bản đồ năm 1927 liệt kê 15 “vùng lãnh thổ của tổ quốc” bị mất, 15 “nước chư hầu” bị mất, 4 “tô giới lãnh thổ” và 14 “lãnh thổ hàng hải” khác bị mất và tranh chấp.

 

Một vài trong số “những lãnh thổ bị mất” này hiện tại dường như hiển nhiên là “thuộc Trung Quốc”: Hồng Kông, Ma Cao, và Đài Loan đã được nhượng lại trong những hiệp ước với Đế quốc Anh, Bồ Đào Nha, và Nhật Bản. Nhưng “những lãnh thổ bị mất” khác không quá rõ ràng thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc: bản đồ này yêu sách phần lớn các quốc gia trong khu vực mà ngày nay chúng ta gọi là Đông Nam Á và Trung Á, cũng như Triều Tiên và Viễn Đông Nga ở Đông Bắc Á và các quốc gia thuộc Hy Mã Lạp Sơn ở Nam Á. Ngoài ra, tất cả các bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia vẽ chấm hình thù địa lý của Trung Quốc với những ghi chú (thường bằng mực đỏ) đánh dấu những thành phố cảng Trung Quốc buộc phải mở cửa do những hiệp ước bất bình đẳng, các cuộc thảm sát, và các vết thương khác đối với hình thù địa lý từ thời kỳ bị đế quốc xâm lược. Cuốn sách giáo khoa Geography of China’s National Humiliation [Địa lý học về sự sỉ nhục quốc gia của Trung Quốc] (1930) đã vạch rõ mục đích chính trị của những minh họa và chú thích nói trên; sách nêu rõ rằng do Trung Quốc đã mất hơn nửa lãnh thổ của mình nên cần phải “sưu tập những hồ sơ địa lý về sự thăng trầm của đất nước chúng ta để đưa ra một chính sách cấp chính phủ nhằm cứu vãn tình hình.”[30]

 

Tập hợp các bản đồ sỉ nhục quốc gia về “những vùng lãnh thổ bị mất” vì vậy đã cố gắng kết hợp yếu tố vũ trụ học mở rộng của các bản đồ thời cuối phong kiến với tính địa lý khoa học của các bản đồ về chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc. Thông qua lôgic bên ngoài/trong và bên trong/ngoài, bản đồ học đầu thế kỷ 20 của Trung Quốc đã khẳng định hình dạng chân thực và thích đáng của hình thù địa lý Trung Quốc như một sự phối hợp giữa các quan niệm về không gian của thời kỳ cuối phong kiến và của thời kỳ hiện đại.

 

Xác định đường biên giới của Trung Quốc 3: Những bản đồ sau sự kiện Thiên An Môn

 

Với sự bùng nổ chiến tranh thế giới thứ II ở châu Á năm 1937, bản đồ học quy chuẩn về sỉ nhục quốc gia bị lu mờ do cuộc khủng hoảng quốc gia nghiêm trọng khi Nhật xâm lược Trung Quốc, mà cuối cùng đã dẫn đến cuộc cách mạng Cộng Sản vào năm 1949. Mặc dù những tấm bản đồ về “vùng lãnh thổ bị mất” tiếp tục được xuất bản trong sách giáo khoa lịch sử và địa lý, bản đồ lịch sử và quốc gia mới của nước CHND Trung Hoa nói chung đã đi theo một hướng khác, nhấn mạnh đến chính trị ý thức hệ mạnh mẽ hơn của cuộc đấu tranh giai cấp và thắng lợi của cách mạng.[31] Đây là điều làm cho sự tái xuất hiện của bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia ở Trung Quốc sau 50 năm gián đoạn trở nên đáng chú ý: chúng lại trở nên phổ biến trong sách giáo khoa lịch sử hiện đại của Trung Quốc trong thập niên 90 như một phần của chính sách lớn hơn là giáo dục về sự sỉ nhục quốc gia - một thành tố trong chính sách giáo dục lòng yêu nước. Như tôi đã lập luận trước đó, tranh luận về sự sỉ nhục quốc gia lại xuất hiện từ sau vụ thảm sát ngày 4 tháng 6 như một phần của chiến dịch đa truyền thông của Đảng Cộng Sản Trung Quốc với mục đích hướng sự giận dữ đã lên tới đỉnh điểm của tầng lớp thanh niên Trung Quốc vào những kẻ thù ngoại quốc thay vì tập trung vào sự tham nhũng trong nội bộ đảng-nhà nước.[32]

 

Ví dụ hay nhất về những tấm bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia gần đây là cuốn sách Maps of the Century of National Humiliation of Modern China [Bản đồ của một thế kỷ sỉ nhục quốc gia của Trung Quốc hiện đại] (1997) với 86 trang gồm những tấm bản đồ, tranh ảnh, biểu đồ, hình minh họa và chú thích.[33] Sách chia xẻ nhiều điểm tương đồng với những tấm bản đồ tương tự từ đầu thế kỷ 20. Chẳng hạn như, việc những vùng lãnh thổ Trung Quốc bị mất vào tay nước Nga như thế nào được ghi nhận trên “Bản đồ về sự chiếm đóng của nước Nga Sa hoàng đối với lãnh thổ thuộc chủ quyền Trung Quốc” giống “Bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia Trung Quốc” (1916) tới từng chi tiết về những kiểu dáng khác nhau, các màu tô bóng để đánh dấu các vùng lãnh thổ bị mất tại các thời kỳ khác nhau (xem hình 8 và hình 5).[34]

 

Tuy nhiên sách bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia năm 1997 làm gia tăng nhiều mối quan ngại, bởi vì nó lập luận trường hợp của mình mạnh mẽ và chi tiết hơn rất nhiều so với những tấm bản đồ treo tường trước đây. Trong khi những tấm bản đồ về sỉ nhục quốc gia từ đầu thế kỷ 20 được các hội địa lý, các chính quyền địa phương, và các nhà xuất bản thương mại xuất bản, sách bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia năm 1997 được Phòng bản đồ của Nhà xuất bản Nhân dân chính thức của Trung Quốc biên soạn và phân phối như một sản phẩm xuất bản cho thị trường đại chúng thông qua mạng lưới chính thức của các Nhà sách Trung Quốc Mới. Hơn nữa, buổi ra mắt của xuất bản chính thức này là một sự kiện truyền thông quan trọng được thu xếp để đánh dấu việc thu hồi một lãnh thổ quan trọng bị mất của Trung Quốc: Hồng Kông. Điều thú vị là, giọng điệu của cuốn sách Bản đồ một thế kỷ sỉ nhục quốc gia không theo như khẩu hiện chính thức là “chào mừng Hồng Kông quay về với đất mẹ.” Thay vào đó, nỗi đau bản đồ học đầu thế kỷ 20 đã được tái hiện như một mối lo mới về hình thù địa lý Trung Quốc vào năm 1997.

 

       


Mối lo này thể hiện rõ trên bản đồ “Sự phân chia Trung Quốc thành những khu vực quyền lực của chủ nghĩa đế quốc ở cuối thế kỷ 19” (xem hình 9) gợi nhớ đến chủ đề trong giai đoạn cuối thế kỷ 19-đầu thế kỷ 20 là “chia cắt Trung Quốc thành nhiều phần giống như một quả dưa và ngấu nghiến” vào thời điểm bước sang thế kỷ 21.[35] Điều này cộng hưởng với tấm bản đồ về sự chia cắt của Trung Quốc trên bìa của cuốn Con đường của Trung Quốc (1999) đã được phân tích ở trên (Xem hình 2) và cuốn truyện tranh nổi tiếng của Trung Quốc năm 1989 với nội dung các đế quốc Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản xâu xé lãnh thổ Trung Quốc (đã được tái bản kịp thời trong sách bản đồ năm 1997).[36] Để nhấn mạnh tầm quan trọng kéo dài của bản đồ học về sự sỉ nhục quốc gia trong thế kỷ 21, cuốn Bản đồ một thế kỷ sự sỉ nhục quốc gia đã được tái bản năm 2005, trên giấy chất lượng tốt hơn và bìa cứng hơn, để đánh dấu lễ kỉ niệm 60 năm ngày Trung Quốc chiến thắng Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ II.

 

    


Giống những bản đồ từ thập kỷ 10 đến thập kỷ 30 thế kỷ 20, những bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia sau năm 1989 cũng kết hợp bản đồ học lãnh thổ phong kiến với lãnh thổ có chủ quyền nhằm tự nhiên hóa đường biên giới của CHND Trung Hoa. Trên thực tế, để yêu sách những biên giới không bị giới hạn như lãnh thổ quốc gia thuộc chủ quyền, những bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia này đều sử dụng ba chiến lược khác nhau đã nêu ở trên. Những tấm bản đồ này đã sử dụng một cách rất trực tiếp chiến lược đầu tiên là phủ định những khác biệt giữa không gian không giới hạn theo trật tự thứ bậc của lãnh thổ phong kiến và không gian có giới hạn thuần nhất của lãnh thổ có chủ quyền để tạo nên hình thù địa lý hiện đại của Trung Quốc như là vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền quốc gia đã được xác định rõ ràng.

 

Theo đuổi chiến lược thứ hai là đặt những thay đổi về lãnh thổ trong bối cảnh đời sống chính trị quốc tế hiện đại của chủ nghĩa đế quốc nước ngoài, cả những tấm bản đồ trước đây và gần đây đều dựa trên nền tảng là cuộc đấu tranh giữa Trung Quốc và các thế lực đế quốc từ châu Âu, Mỹ và Nhật Bản - những nước đã đã đánh cắp lãnh thổ của Trung Quốc. Lập luận “đế quốc phương Tây” này che đậy một câu chuyện thay thế khác: Trung Quốc, Nga, phương Tây và Nhật Bản là những đối thủ bành trướng, tranh giành cùng một con mồi lãnh thổ là các quốc gia chư hầu, các nước bán thuộc địa và các vùng biên giới ở phần ngoại vi của giang sơn phong kiến triều Thanh, như Mông Cổ, Triều Tiên, Việt Nam và Xi-bê-ri.[37] Thực vậy, những không gian được đánh dấu như “những vùng lãnh thổ bị mất” trên bản đồ thế kỷ 20 đã được đánh dấu theo cách thức cũ là “những vùng lãnh thổ giành được” trên những bản đồ thế kỷ 18 của triều Thanh.[38]

 

Nhìn chung, những tấm bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia này sử dụng đường kẻ ô của hệ thống quốc tế Westphalia để giảm bớt, phân loại và ngăn chặn tiếng nói của các chủ thể gần như là các quốc gia này và chỉ duy nhất cho phép được nghe câu chuyện về “sự thống nhất vĩ đại” của quốc gia-dân tộc Trung Quốc đang nổi lên. Tiếp theo, đây là ví dụ cơ bản của chiến lược phân tán thứ ba: giải thích tính lãnh thổ đặc biệt theo riêng lập trường của Bắc Kinh, do đó ngăn chặn bất kỳ quan điểm chống đối nào mà có thể tạo ra những hình thù địa lý thay thế.

 

Kết quả của những chiến lược bản đồ này là sự nghịch lý: thay vì là bằng chứng về việc mất những vùng lãnh thổ quốc gia dọc theo các đường biên giới với Xi-bê-ri, Trung Á, Đông Bắc Á và Đông Nam Á, những bản đồ về sỉ nhục quốc gia cho thấy Trung Quốc đã khẳng định chủ quyền quốc gia đối với một vùng giang sơn phong kiến mập mờ, biến vùng ngoại vi thành một vùng lãnh thổ có chủ quyền hợp nhất, bao gồm một số dù không phải là toàn bộ lãnh thổ của triều Thanh trước đây. Vì thế, những bản đồ về sỉ nhục quốc gia và những thảo luận sôi nổi về “những vùng lãnh thổ đã mất” đã thực sự giúp Trung Quốc củng cố thêm yêu sách của mình đối với những vùng biên giới ở Tân Cương, Tây Tạng, Mãn Châu – và Đài Loan. Do đó, cả sự chia cắt và tái sát nhập đều là chiến lược chính trị sinh học chủ chốt trong việc tạo ra một hình thù địa lý.

 

Bản đồ học so sánh 2: Bản đồ quốc gia và Bản đồ về sỉ nhục quốc gia

 

Trong khi những tấm bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia dĩ nhiên là thú vị và nêu lên những câu hỏi nghiêm túc về hình dáng và kích thước đúng của Trung Quốc, chúng dễ dàng bị bác bỏ như trường hợp ngoại lệ đối với quy tắc thực thi chuẩn mực về chủ quyền quốc gia của Trung Quốc. Tuy nhiên, một nghiên cứu lựa chọn rộng hơn các bản đồ phổ biến và chính thức của Trung Quốc từ đầu thế kỷ 20 và khi bước sang thế kỷ 21 đã cho thấy rằng những tấm bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia này là một phần không thể thiếu đối với sự xuất hiện của bản đồ học theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc. Chính những hội địa lý và những nhà xuất bản thương mại xuất bản những bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia cũng đồng thời phát hành “những bản đồ quốc gia” bao gồm những hình ảnh và thông tin tương tự. “Bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia của Trung Quốc” ở Hình 6 thực ra là tấm bản đồ thứ 2 trong Sách bản đồ của Trung Hoa Dân Quốc (1930) – tấm bản đồ đầu tiên chỉ đơn giản được ghi là “Trung Hoa Dân Quốc”. Hơn nữa, đa số những tấm bản đồ “bình thường” và chính thức của Trung Hoa Dân Quốc đều có những tham khảo quan trọng về nỗi nhục quốc gia của Trung Quốc: chúng đặc biệt đánh dấu “những vùng lãnh thổ bị mất” và liệt kê những hiệp ước bất bình đẳng, những cảng buộc phải mở cửa cho nước ngoài buôn bán sau các hiệp ước bất bình đẳng và các tô giới lãnh thổ. “Bản đồ chi tiết đầy đủ mới nhất của Trung Hoa Dân Quốc” (1923) chính xác được tạo bằng những bản đồ lồng, những chú thích và những biểu đồ đã trở nên quen thuộc ngày nay trong bản đồ học về sự sỉ nhục quốc gia. Ví dụ như, những bản đồ lồng của nó thể hiện chi tiết về “những vùng lãnh thổ bị mất” riêng biệt, trong khi các bản đồ chính đặt tên quốc gia xung quanh như Triều Tiên, An Nam (Việt Nam) như những nước từng là “chư hầu của chúng ta” và bây giờ là chư hầu của Nhật Bản hay Pháp.[39] Giống như trong cuốn Địa lý học về sự sỉ nhục quốc gia của Trung Quốc (1930), một tuyên bố hùng hồn được viết dọc mép lề dưới cùng của “Bản đồ đầy đủ chi tiết mới nhất,” khẳng định rằng dân tộc Trung Hoa có thể “gột sạch mối sỉ nhục quốc gia của họ” chỉ bằng cách nghiên cứu tấm bản đồ này, mà cho thấy lãnh thổ thiêng liêng của đất nước họ đã bị mất vào tay người châu Âu và người Nhật như thế nào.

 

“Bản đồ yêu nước: Nỗi nhục Quốc gia và tài sản Quốc gia dưới một góc nhìn” (1929) cho thấy bản đồ học về sự sỉ nhục quốc gia đã ảnh hưởng thế nào đến những bản đồ quốc gia chính thống của Trung Quốc theo một cách khác.[40] Tấm bản đồ hấp dẫn này cho thấy việc ghi chép và công khai những sỉ nhục lãnh thổ của Trung Quốc luôn gắn liền với lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và những chiến dịch bảo vệ đất nước. Kế bên những chú thích ca ngợi sức mạnh của ngành công nghiệp và cơ sở hạ tầng của Trung Quốc (những nhà máy do người Trung Quốc sở hữu, các khu mỏ, các vườn cây ăn quả v.v) là những ghi chú được đánh dấu chấm đỏ về những những cảng buộc phải mở cửa cho nước ngoài buôn bán sau các hiệp ước bất bình đẳng và “những vùng lãnh thổ bị mất.” Nhìn chung, những chiến lược bản đồ học này tạo ra hình thù địa lý quốc gia của Trung Quốc bằng việc gắn kết phong kiến với lãnh thổ có chủ quyền.

 

Mô hình kép của bản đồ học khi bước sang thế kỷ 21 cũng tương tự. Giống như những bản đồ về sỉ nhục quốc gia của thập niên 20 và 30, những bản đồ về sỉ nhục quốc gia gần đây không chỉ rất giống với những bản đồ tiêu chuẩn được tìm thấy trong Sách bản đồ về lịch sử Trung Quốc hiện đại (1984) mà những người biên soạn sách Bản đồ một thế kỷ chịu sự sỉ nhục quốc gia (1997) còn thừa nhận sách bản đồ năm 1984  này và những sách bản đồ về lịch sử hiện đại Trung Quốc khác là nguồn chủ yếu của họ.[41] Mặc dù không sử dụng cụm từ “sự sỉ nhục quốc gia,” nhưng cuốn sách đồ sộ và toàn diện Lịch sử đường biên giới hiện đại của Trung Quốc (2007) sử dụng lôgic đan xen tương tự để kết hợp bản đồ học của giang sơn phong kiến và của lãnh thổ có chủ quyền nhằm phục vụ cho việc khẳng định “sự thống nhất vĩ đại” của Trung Quốc; nó cũng sử dụng những tấm bản đồ quen thuộc ngày nay về những đường biên giới cổ của Trung Quốc và sự đánh cắp lãnh thổ Trung Quốc sau đó của nước Nga Sa hoàng.[42] Những tấm bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia gần đây cũng có phần trùng lặp đáng kể với một sách bản đồ giáo dục lòng yêu nước được Ban tuyên giáo trung ương đảng tạo ra: Sách bản đồ về 100 địa danh giáo dục lòng yêu nước (1999).[43] Do đó những tấm bản đồ này và những bản đồ Trung Quốc khác cho thấy bản đồ học về sự sỉ nhục quốc gia là một phần quan trọng không thể thiếu như thế nào trong trí tưởng tượng về hình thù địa lý của Trung Quốc ở cấp chính thức, trong giới học thuật và công chúng.

 

Những tấm bản đồ về sỉ nhục quốc gia này còn hơn cả những khám phá lịch sử. Chúng cho thấy bản đồ học hiện đại đã lại thu hút Trung Quốc theo một cách ngược đời là tạo ra một hình thù địa lý hiện đại mà đồng thời cũng là một không gian quốc gia thiêng liêng.


 

Phần II: Phần này nói về việc Trung Quốc thực hiện chính sách Ngoại giao biên giới Hình thù địa lý thay thế nhấn mạnh bản chất chính trị sinh học của bản đồ học về sự sỉ nhục quốc gia, và cuối cùng là Kết luận của tác giả.

 


[1] “Chinese Cartography: China Beat Columbus to It, Perhaps,” (Ngành vẽ bản đồ Trung Quốc: Có lẽ Trung Quốc đã đánh bại Cô-lôm-bô),  Economist (Nhà Kinh tế), số ngày 12 tháng 1 năm 2006, www.economist.com/displaystory.cfm?story_id=5381851. Gavin Menzies đã thừa nhận tấm bản đồ này mà ông gọi là “Bản đồ 1418” và đưa nó lên trang web của ông “1421: The Year When China Discovered the World,” (1421: Năm Trung Quốc khám phá thế giới),  www.1421.tv/assets/images/maps/1418_map_download.jpg (truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2008).

[2] Walter D. Mignolo, The Darker of Side of the Renaissance: Literacy, Territoriality, and Colonization (Ann Arbor: University of Michigan Press), 219-313.

[3] Wang Xiaodong, Fang Ning, và Song Qiang, Quanqiuhua yinxiang xiade Zhongguo zhi lü [Con đường của Trung Quốc dưới cái bóng của toàn cầu hóa] (Bắc Kinh: NXB Khoa học xã hội, 1999).


[4] Đọc, ví dụ như , tác giả Joseph Kahn, “Storm over 1418 Map: History or Scam?” International Herald Tribune, ngày 17 tháng 1 năm 2006, www.iht.com/articles/2006/01/16/news/map.php. Đa số các nhà sử học cho rằng lập luận của Menzies về việc Trung Quốc đã khám phá ra châu Mỹ năm 1421 là một trò lừa bịp. Gavin Menzies, 1421: The Year When China Discovered the World (New York: Perennial, 2003).

[5] Đọc tác giả Roger Des Forges và Luo Xu, “China as a Non-hegemonic Superpower? The Uses of History among the China Can Say No Writers and Their Critics,” Critical Asian Studies 33 (2001):498, 507.

[6] Đọc, ví dụ như, tác giả Chen Gaoji, lời tựa Zhongguo xin yutu (New Atlas of China) [Sách bản đồ mới của Trung Quốc] (Shanghai: Commercial Press, 1925).

[7] Zhao Dachuan, “Shiji qipan zuguo tongyi” (“A Century of Anticipating the Unification of the Motherland”) [“Một thế kỷ trông đợi tổ quốc được thống nhất”], Ditu [Bản đồ học], số. 2 (2000): 39 – 44.

[8]Thongchai Winichakul, Siam Mapped: A History of the Geo-body of a Nation (Honolulu: University of Hawaii Press, 1994), 17. Đọc thêm Benedict Anderson, Imagined Communities: Reflections on the Origin and Spread of Nationalism, ấn bản đã chỉnh sửa (New York: Verso, 2006), 170 – 78.

[9] Đọc tác giả Michael J. Shapiro, Methods and Nations: Cultural Governance and the Indigenous Subject (New York: Routledge, 2004), 49; và William A. Callahan, Cultural Governance and Resistance in Pacific Asia (London: Routledge, 2006), 1 – 20.

[10] Đọc tác giả Michel Foucault, The History of Sexuality: An Introduction (New York: Vintage, 1990), 133; và Foucault, “Society Must Be Defended”: Lectures at the Collège de France, 1975 – 1976 (New York: Picador, 2003).


[11] Lü Yiran, ed., Zhongguo jindai bianjie shi [Lịch sử những đường biên giới hiện đại của Trung Quốc], 2 tập (Thành Đô: Nhà xuất bản nhân dân Tứ Xuyên, 2007), 1:1 – 2; để có nhận xét sâu sắc, Đọc Huang Donglan, “Lingtu, jiangyu, guochi: Qingmo Minguo dili jiaokeshu de kongjian biaoxiang” [Lãnh thổ, Giang sơn và Sự sỉ nhục quốc gia: Những khái niệm về không gian trong sách giáo khoa địa lý từ triều Thanh trước đây và thời kỳ dân quốc], trong Shenti, xinxing, quanli [Cơ thể, trí tuệ và quyền lực], biên tập Huang Donglan (Hàng Châu: Nhà xuất bản nhân dân Triết Giang, 2005), 77 – 79.

[12] Để có một phân tích sâu sắc về việc “Một thế kỷ của sự sỉ nhục quốc gia” thể hiện những tập quán bản sắc hiện đại ở Trung Quốc, Đọc tác giả William A. Callahan, “National Insecurities: Humiliation, Salvation, and Chinese Nationalism,” Alternatives 29 (2004): 199 – 218.

[13] Johannes Putsch, La vergine Europa (Châu Âu như một trinh nữ) (1592).

[14] Mignolo, Darker Side, 218. Đọc thêm Đọc tác giả J. B. Harley, “Deconstructing the Map,” Cartographica 26 (1989): 1 – 20; và Gearóid Ó Tuathail, Critical Geopolitics (Minneapolis: University of Minnesota Press, 1996), 1 – 20.

[15] “Untitled Map” (1743), British Library. Tấm bản đồ “Huayi tu”  nổi tiếng nhất (1136) được khắc trên bia đá, hiện nay được bảo quản trong nhà ở Xi’an, Trung quốc. Một bản sao bằng đánh bóng của tấm bản đồ này hiện có ở Thư viện Quốc hội.

[16]  Để bàn luận kỹ về những quy ước trong các bản đồ Trung Quốc trước thời kỳ hiện đại, đọc các chương của  tác giả Cordell Yee trong Cartography in the Traditional East and Southeast Asian Societies, quyển 2, bk. 2, trong sách The History of Cartography, ấn bản. J. B. Harley và David Woodward (Chicago: University of Chicago Press, 1994), 35 – 230; Richard J. Smith, Chinese Maps: Images of “All under Heaven” (Oxford: Oxford University Press, 1996); Smith, “Mapping China’s World: Cultural Cartography in Late Imperial Times,” trong Landscape, Culture, and Power in Chinese Society, ấn bản. Wen-hin Yeh (Berkeley: University of California, Institute of East Asian Studies, 1998), 52 – 105; và Peter C. Perdue, “Boundaries, Maps, and Movement: Chinese, Russian, and Mongolian Empires in Early Modern Central Eurasia,” International History Review 20 (1998): 263 – 86.

[17] Iwo Amelung, “New Maps for the Modernizing State: Western Cartographic Knowledge and Its Application in Nineteenth and Twentieth Century China,” trong Graphic and Text in the Production of Technical Knowledge in China: The Warp and the Weft, ấn bản Francesca Bray, Vera Dorofeeva-Lichtmann, và Georges Métailié (Leiden: Brill, 2007), 34; Ding Wenjiang, Weng Wenjing, và Zeng Shiying, Zhonghua minguo xin ditu (New Map of the Republic of China) [Bản đồ mới của Trung Hoa Dân Quốc] (Shanghai: Shenbao Guan, 1934).

 

[18] Mignolo, Darker Side, 253 – 54; Huang, “Lingtu, jiangyu, guochi.”

[19] John Hay, “The Body Invisible in Chinese Art?” trong Body, Subject, and Power in China, ed. Angela Zito và Tani E. Barlow (Chicago: University of Chicago Press, 1994), 52.

 

[20] Nhà địa lý lịch sử dấu tên, bài phỏng vấn do tác giả thực hiện, Bắc Kinh, 16 tháng 7 năm 2007..

[21] Zhonghua mingguo yuannian lishu) [Lịch sử năm đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc] (Hunan Yanshuo Zongke Yin, 1912).

 

[22] The Constitutional Compact of the Chung Hua Min Kuo, ấn bản song ngữ, Peking Daily News, 1 tháng 5 năm 1914, chương 1, điều 3. Hiến pháp 1923 của Trung Hoa Dân Quốc che đậy sự chuyển tiếp này bằng tuyên bố rõ ràng rằng “lãnh thổ vốn thuộc nhà nước Cộng hòa thì sẽ thuộc lãnh thổ của Trung Hoa Dân Quốc” (Hiến pháp Trung Hoa Dân Quốc) [Bắc Kinh: Uỷ ban đặc quyền lãnh thổ, 1924], chương 3, điều 3).

[23] . Ngoài “Bản đồ không tên” (1743), đọc “Da Qing wannian yitong dili quantu” [Bản đồ giang sơn hoàn chỉnh của đế chế Đại Thanh thống nhất]  (1816). Một bức ảnh của tấm bản đồ này đã được đưa lên trang web của Thư  viện Quốc hội  hdl.loc.gov/loc.gmd/g7820.ct002256 (truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2008).

[24] “Zhonghua guochi ditu” [Bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia Trung Quốc] (Thượng Hải: Hội bản đồ học trung ương, 1916); “Zhongguo guochi ditu” [Bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia của Trung Quốc], trong Zuixin Zhonghua minguo gaizao quantu [Sách bản đồ của Trung Hoa Dân quốc với những chỉnh sửa mới nhất], và Bai Meichu (Beiping: Jianshe Tushuguan, 1930), bản đồ 2.

[25] Để thấy những ví dụ khác về một Trung Quốc trắng xoá và trống trơn, bao quanh bởi những “vùng lãnh thổ bị mất” được đánh dấu bằng những phần đậm màu đỏ, đọc “Zhonghua guochi ditu” [Bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia Trung Quốc] (Chính quyền tỉnh Hà Nam, 1922); “Zhonghua guochi ditu” [Bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia Trung Quốc] (Hiệp hội Công nghiệp và Thương mại của Tỉnh Hà Bắc, 1929); và “Aiguo ditu: Guochi yu guochan yilan” [Bản đồ yêu nước: Sỉ nhục quốc gia và tài sản quốc gia dưới một góc nhìn] (Cuộc họp của chính quyền trung ương, cuộc họp ở chi nhánh Wuhan, 1929).

[26] Huang sử dụng sách địa lý để tạo lên lập luận tương tự  về một quan điểm phổ biến đang lan rộng về “những vùng lãnh thổ bị mất” ở Trung Quốc đầu thế kỷ 21 (“Lingtu, jiangyu, guochi,” 90).

 

[27] Bai, lời tựa Zuixin Zhonghua minguo gaizao quantu, 1.

[28] . “Zhonghua guochi ditu, zaiban” [“Bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia của Trung Quốc, Tái bản”] (Shanghai: Zhonghua Shuju, 1927).

[29] Để thấy thêm những tấm bản đồ tương tự với những đường tròn đồng tâm và “những vùng lãnh thổ bị mất,” đọc “Zhongguo jianming guochi yutu” [“Bản đồ đơn giản về sự sỉ nhục quốc gia của Trung Quốc”] (Ban khảo sát quân đội Giang Tô, 1928); “Zhongguo guochi ditu” [Bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia của Trung Quốc], trong Gu Yijun, Zhongguo guochi dilixue) [Địa lý học về sự sỉ nhục quốc gia của Trung Quốc] (Beiping: Wenhua Xueshe Yinxing, 1930); và “Zhongguo sangshi lingtu linghai tu” [“Bản đồ về vùng đất và vùng biển bị mất của Trung Quốc”], trong Xie Bin, Zhongguo sangdi shi [Lịch sử các vùng lãnh thổ bị mất của Trung Quốc] (Shanghai: Zhonghua Shuju, 1925).

 

[30] Gu, Zhongguo guochi dilixue, 1.

[31] Những sách bản đồ được xuất bản ở Đài Loan sau năm 1949 cũng thường coi là đúng lôgic về “giang sơn phong kiến” và “những vùng lãnh thổ bị mất.” Đọc sách giáo khoa địa lý của trường trung học Zhongguo lidai jiangyu xingshi shitu [Sách bản dồ lịch sử của giang sơn lịch sử của Trung Quốc] (Taibei: Zhongguo Shengming Xian Zazhi She Yinxing, 1964), 50 – 55, 60 – 67. Cảm ơn Richard Curt Kraus rất nhiều vì đã chia sẻ cuốn sách này với tôi.

[32] Đọc William A. Callahan, “History, Identity, and Security: Producing and Consuming Nationalismin China,” Critical Asian Studies 38 (2006): 185 – 87.

[33] Jindai Zhongguo bainian guochi ditu (Maps of the Century of National Humiliation of Modern China) [Những tấm bản đồ của thế kỷ chịu sự sỉ nhục quốc gia của Trung Quốc hiện đại] (Bắc Kinh: NXB Nhân dân, 1997).

 

[34] Jindai Zhongguo bainian guochi ditu, 25 – 26.

 

[35] Jindai Zhongguo bainian guochi ditu, 47 – 48.

 

[36] Jindai Zhongguo bainian guochi ditu, 49.

[37] Đọc tác giả Peter C. Perdue, China Marches West: The Qing Conquest of Central Eurasia (Cambridge, Mass.: HarvardUniversity Press, 2004).

[38] Joanna Waley-Cohen, “Changing Spaces of Empire in Eighteenth-Century Qing China,” trong Political Frontiers, Ethnic Boundaries, and Human Geographies in Chinese History, biên tập Nicola Di Cosmo and Don J. WyaTrung Quốc (London: RoutledgeCurzon, 2003), 333. Đọc thêm “Da Qing wannian yitong dili quantu.”

[39] “Zuixin xiangxi Zhonghua minguo diyu quantu” (Bản đồ chi tiết đầy đủ mới nhất của Cộng Hòa Trung Hoa) (1923).

[40] Tôi đã nghiên cứu “Bản đồ yêu nước” tại Thư viện Quốc gia ở Bắc Kinh. Thật không may, yêu cầu phôtô một bản của tôi đã bị từ chối bởi tấm bản đồ rất dễ rách.

[41] Jindai Zhongguo bainian guochi ditu, 86; đọc thêm Đọc tác giả Zhang Haipeng, Zhongguo jindaishi gao dituji [Sách bản đồ về lịch sử Trung Quốc hiện đại] (Thượng Hải: NXB Bản đồ, 1984).

[42] Lü, Zhongguo jindai bianjie shi, 1:1 – 8, 264, 276, 324, 342, 352. Cuốn sách đã hiệu chỉnh này là kết quả của một dự án nghiên cứu quan trọng của Trung tâm nghiên cứu Lịch sử và Địa lý vùng biên giới tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. Theo các học giả tại trung tâm này, cuốn sách được viết để đặt ra chuẩn mực cho những nghiên cứu về biên giới trong một vài thập kỷ tới (nhà địa lý lịch sử giấu tên, tác giả thực hiện phỏng vấn, Bắc kinh, 17 tháng 7 năm 2007).

[43] Zhao Ming, biên tập, Baige aiguo zhuyi jiaoyu shifan jidi dituji [Sách bản đồ về 100 địa điểm giáo dục lòng yêu nước] (Bắc Kinh: NXB Bản đồ Trung Quốc, 1999).