Ngoại giao biên giới

 

Những bản đồ quốc gia và bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia đã cho thấy, Trung Quốc đã trải qua những thay đổi sâu sắc như thế nào không chỉ về mặt chính trị mà còn cả về không gian bắt đầu với cuộc Chiến tranh Thuốc phiện năm 1840 và tiếp tục tới cuộc cách mạng Cộng hòa chống lại triều đình nhà Thanh năm 1911, cuộc cách mạng Cộng sản năm 1949, và những cải cách kinh tế năm 1978. Thời hiện đại đã cho ra đời không chỉ những khái niệm bất ngờ về Trung Quốc mà còn cả những vùng biên giới đáng ngạc nhiên. Quả thực, đối với Trung Quốc, cả thời đại phong kiến và Chiến tranh Lạnh đều đặc thù với những cuộc chiến tranh biên giới; từ năm 1949 đến thập kỷ 70, CHND Trung Hoa đã can dự vào một loạt những cuộc chiến tranh biên giới với hầu hết các quốc gia láng giềng, đáng chú ý nhất là với Ấn Độ (1962), Nga (1969) và Việt Nam (1979). Sau khi nước này bắn tên lửa trong vụ đối đầu ở eo biển Đài Loan (1995-96), nhiều người lại quan ngại về thuyết đòi lại lãnh thổ của Trung Quốc.[1]

 

Bản đồ là một phần quan trọng của những cuộc tranh chấp biên giới như vậy: sau chiến tranh Trung-Ấn (1962), Đê-li đã than phiền về “Sự xâm lược trên bản đồ của Trung Quốc,” và trong thập kỷ 90, những láng giềng Đông Nam Á của Bắc Kinh đã lo ngại về “Sự xâm lược trên bản đồ” sau khi Trung Quốc xuất bản những bản đồ chính thức bao gồm một “đường yêu sách lịch sử” khoét sâu vào vùng biển Đông và gợi nhắc về những bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia.[2]

 

Tuy nhiên Allen Carlson và M. Taylor Fravel đã lập luận riêng biệt rằng một nghiên cứu kỹ lưỡng về những tranh chấp biên giới đã chỉ ra rằng Trung Quốc thường thích những giải pháp đàm phán với các nước láng giềng của mình hơn – dù là điều này có nghĩa là sẽ phải từ bỏ hơn nửa những vùng lãnh thổ tranh chấp.[3] Carlon giải thích rằng Trung Quốc đã thay đổi từ gây áp lực quân sự sang một chính sách bình thường hóa đường biên giới thông qua ngoại giao và luật quốc tế khi chính sách cải cách kinh tế được tiến hành trong thập kỷ 80. Đây là một phần trong nhận thức rộng hơn của Bắc Kinh rằng đóng vai trò như một thành viên có trách nhiệm trong xã hội quốc tế sẽ đóng góp vào môi trường quốc tế hòa bình, điều cần thiết cho sự thành công của công cuộc cải cách kinh tế trong nước của Trung Quốc. Fravel lập luận rằng chính sách tích cực về đàm phán đường biên giới đã bắt đầu sớm hơn nhiều – từ đầu thập kỷ 60 – và liên quan nhiều hơn đến vấn đề an ninh quốc gia của Trung Quốc với việc ổn định đời sống chính trị tôn giáo dọc khu vực biên giới hơn là do chính sách cải cách kinh tế. Trung Quốc đã thỏa hiệp về các tranh chấp biên giới khi phải đối mặt với những mối đe dọa đối với an ninh chính quyền trong nước xuất phát từ các nhóm sắc tộc xuyên quốc gia nằm ở cả hai bên biên giới quốc tế. Do đó, CHND Trung Hoa thường đưa ra những nhượng bộ lãnh thổ đối với các nước láng giềng ở Trung Á để đổi lấy sự hợp tác trong việc ngăn chặn những hoạt động sắc tộc qua biên giới mà Bắc Kinh xem là “phong trào ly khai.” Không biết có phải vì chính sách cải cách kinh tế hay những quan ngại về an ninh quốc gia hay không, Trung Quốc đã dàn xếp 17 trong số 23 tranh chấp lãnh thổ và đang giải quyết những tranh chấp còn lại chủ yếu trên tinh thần không sử dụng vũ lực.[4]

 

Tuy nhiên, Carlson lưu ý rằng bên cạnh chiến lược ngoại giao hợp tác thì có một xu hướng ngầm quan trọng trong số các chuyên gia an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Trung Quốc về “những ký ức đối với sự thu hẹp lãnh thổ Trung Quốc trong suốt ‘thế kỷ chịu sỉ nhục quốc gia.”[5] Do đó, những tranh chấp biên giới của Trung Quốc từ năm 1949 là một di sản phong kiến, tiếp tục được thể hiện bằng “sự hiểu biết có cơ sở lịch sử về phạm vi ‘chính đáng’ của chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc” rộng hơn rất nhiều.[6] Mặc dù Trung Quốc đã đàm phán phần lớn những đường biên giới tranh chấp của nước này, nhưng khao khát giành lại một số lượng lớn “những vùng lãnh thổ bị mất” tiếp tục xuất hiện trong những thảo luận chính thức, bán chính thức và trong quần chúng.

 

Vì nằm tại vị trí giao lộ của các đế chế khác nhau, Mãn Châu Lý được coi là ví dụ điển hình minh họa sự phức tạp của bản đồ học về các hình thù địa lý xung đột nhau.[7] Quả thực, chỉ có bản đồ khu vực về sỉ nhục quốc gia cho rằng Mãn Châu Lý là một vùng lãnh thổ bị mất sau cuộc xâm lược của Nhật Bản năm 1931.[8] Do đó, vị thế không rõ ràng của Mãn Châu đã kích động các hình thức chống đối khác nhau cả từ bên trong Trung Quốc và nước ngoài. Ví dụ như, không lâu sau khi Trung Quốc và Nga kí một hiệp định năm 2004 để giải quyết chủ quyền đối với những hòn đảo tranh chấp tại chỗ hợp lưu của sông Amur và sông Ussuri, Bắc Kinh đã bị chỉ trích gay gắt trên diễn đàn trực tuyến của tờ Nhật báo Trung Quốc vì hành động phản quốc nhường lại lãnh thổ của Trung Quốc. Bài phê bình này được truy nguồn là từ trang web của Nhà xuất bản bản đồ Trung Quốc, đã đưa lên một vài bức ảnh vệ tinh rất chi tiết về những hòn đảo và vụ dàn xếp đường biên giới gây tranh cãi. Không mấy ngạc nhiên, chính phủ Trung Quốc đã nhanh chóng xóa bỏ những trang web này.[9] Những bài phê bình khác về đường biên giới Trung-Nga tiếp tục lan rộng giữa các cư dân mạng của Trung Quốc, bao gồm cả những tin tức trên công cụ tìm kiếm hàng đầu của Trung Quốc, Baidu, trang đã đổi tên vùng Viễn đông Nga thành “Ngoại Mãn Châu.” Trang Web này đánh dấu Ngoại Mãn Châu như một khu vực lãnh thổ quốc gia bị mất trên loại bản đồ kiểu sỉ nhục quốc gia, với nội dung giải thích rằng đây là một vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền Trung Quốc “kể từ thời xa xưa” và đã bị mất khi “bị nước Nga Sa hoàng xâm lược và chiếm đóng.”[10] Hơn nữa, những bản đồ về sỉ nhục quốc gia của Trung Quốc từ đầu thế kỷ 20 tiếp tục được khám phá lại và đưa lên các phòng chát nhằm khơi dậy những cuộc thảo luận ái quốc giữa tầng lớp thanh niên Trung Quốc về “những vùng lãnh thổ bị mất”: Một người tham gia tuyên bố rằng chúng ta “phải giành lại tổ quốc,” trong khi những người khác tranh luận về tình trạng của Mông Cổ và Triều Tiên.[11] Về phía những người Nga ở bên kia biên giới, đã có những lo sợ rõ ràng rằng “Lũ da vàng” Trung Quốc đang có kế hoạch sử dụng “áp lực nhân khẩu học” để lấy lại vùng Viễn Đông Nga từ cộng đồng người Nga thiểu số đang dần thu hẹp lại.[12] Do đó, bản đồ học về sỉ nhục quốc gia tiếp tục thúc đẩy những nhận thức của dân cư người Trung Quốc (và người Nga) về hình thù địa lý đúng của Trung Quốc và kích động sự chống đối lẻ tẻ trên mạng. Trong khi chúng ta không thể dựa vào những trang kiểu như Wikipedia để lấy “sự thật khách quan,” chúng trên thực tế cho thấy những nhóm hoạt động xã hội đang thâu tóm sự hình thành và tuyên truyền những kiến thức thay thế về hình thù địa lý đúng của Trung Quốc như thế nào.

 

Để so sánh, “tranh cãi về Koguryo (một vương quốc cổ của Triều Tiên)” là một ví dụ quan trọng nhất của việc bản đồ học về sự sỉ nhục quốc gia đang định hình những hiểu biết về hình thù địa lý mang tính học thuật và ngoại giao hơn như thế nào. Cũng giống như với Nga, Trung Quốc có những tranh chấp lẻ tẻ với Hàn Quốc về những vùng lãnh thổ Mãn Châu. Trong khi những bản đồ về sỉ nhục quốc gia và bản đồ của phong kiến Trung Quốc thường đánh dấu Triều Tiên như một nước chư hầu, những tầng lớp ưu tú của Hàn Quốc dựa vào lịch sử cổ xưa để yêu sách, cái ngày nay chúng ta gọi là Mãn Châu, như vùng lãnh thổ của Hàn Quốc. Hai yêu sách này, vốn bị các bên hầu như phớt lờ trong nhiều thập kỷ, đã xung đột với nhau khi cả Bắc Triều Tiên và Trung Quốc cùng yêu cầu Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận những lăng mộ từ Vương quốc Koguryo cổ (tồn tại từ năm 37 trước công nguyên đến năm 668 sau công nguyên) là những địa điểm di sản của thế giới. Dư luận đã bùng phát vào ngày 1 tháng 7 năm 2004 khi mà UNESCO công nhận những lăng mộ ở cả Bắc Triều Tiên và Trung Quốc là những địa điểm di sản thế giới về Koguryo. Điều này đã dẫn đến những tranh chấp ngoại giao gay gắt: vào ngày 5 tháng 8, Xê-un đã cử một quan chức ngoại giao cấp cao đến Bắc Kinh để phản đối “việc Trung Quốc đang xuyên tạc lịch sử Koguryo” và cuối tháng đó Bắc Kinh đã cử một Thứ trưởng ngoại giao tới Xê-un để thảo luận về kế hoạch tái hòa giải gồm 5 điểm.[13] Một vài năm sau, cuộc tranh cãi vẫn tiếp tục âm ỉ với những bài báo và những nghiên cứu học thuật thường xuyên khơi ngòi lại nó.[14]

 

Về phía Trung Quốc, việc nộp đơn lên UNESCO là một phần của Dự án Đông Bắc Á được khởi động vào năm 2002 từ chính nhóm đã xuất bản cuốn sách chuẩn Lịch sử đường biên giới hiện đại của Trung Quốc (2007) là Trung tâm nghiên cứu Lịch sử và Địa lý biên giới - một đơn vị của cơ quan tham mưu chính thức Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. Nghiên cứu của dự án về Vương quốc Koguryo, mà lãnh thổ trải dài ở cả hai bên đường biên giới hiện tại giữa CHND Trung Hoa và Bắc Triều Tiên, đã kết luận rằng vương triều Triều Tiên này là một nước chư hầu trong đế chế Trung Quốc. Do đó, những người Triều Tiên đã được miêu tả lại từ một quốc gia độc lập trở thành một trong nhiều “dân tộc thiểu số” của Trung Quốc. Giới truyền thông Trung Quốc nói đến vương quốc này như “Koguryo của Trung Quốc” (tương tự như nói đến Tây Tạng Trung Quốc), và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã xóa Koguryo trên trang web về lịch sử Hàn Quốc của Bộ này.[15]

 

Về phía Hàn Quốc, Koguryo là cốt lõi của bản sắc quốc gia: cái tên Triều Tiên bắt nguồn từ vương quốc của dân tộc Triều Tiên này. Koguryo vì thế là địa điểm khởi nguồn của lịch sử cổ của Hàn Quốc, không chỉ vì những lý do văn hóa: vương triều này đặc biệt nổi tiếng với việc chống lại phong kiến Trung Quốc. Mặc dù địa điểm di sản thế giới nằm ở Bắc Triều Tiên, cuộc tranh cãi đã trở thành một vấn đề về sự sỉ nhục quốc gia đối với Hàn Quốc; những người dân yêu nước một lần nữa buộc phải chống lại mối de dọa về sự xâm lược của Trung Quốc. Như một nhà xã luận ở Xê-un viết, “Nỗ lực của Trung Quốc nhằm gộp Goguryeo vào như một phần lịch sử của Trung Quốc cần bị phê phán vì chính bản chất của nó: một ví dụ về chủ nghĩa sô-vanh nước lớn coi Trung Quốc là trung tâm.”[16] Quốc hội Hàn Quốc “đã kêu gọi Trung Quốc dừng ngay nỗ lực bóp méo lịch sử của mình,” và Thủ tướng bị gây sức ép thành lập Quỹ nghiên cứu Goguryeo như một phản ứng trực tiếp với Dự án Đông Bắc Á của Trung Quốc.[17] Trong khi các học giả Trung Quốc dựa vào những bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia và bản đồ phong kiến mà liệt Triều Tiên như một chư hầu, thì các học giả và các nhà hoạt động xã hội Triều Tiên không chỉ dựa vào bản đồ cổ để tranh cãi về trường hợp của họ, mà rất nhiều người hiện tại đã vẽ những bản đồ mở rộng về Vương quốc Koguryo của riêng họ và đưa chúng lên mạng (xem hình 10).[18]

 

 

Như vậy, lịch sử ban đầu của Đông Bắc Á là tiêu điểm của các tranh cãi gay gắt về những vấn đề an ninh không truyền thống về bản sắc quốc gia. Tuy nhiên, những vấn đề lịch sử này đã tạo ra những vấn đề an ninh rất truyền thống về đường biên giới quốc tế chính xác giữa Triều Tiên và Trung Quốc. Quả thực, các chiến lược gia ở cả hai bên đều nhất trí rằng cuộc tranh cãi về Koguryo chủ yếu là về những ý đồ chiến lược của Trung Quốc và Hàn Quốc trong thế kỷ 21 hơn là những ghi chép đúng về “những sự kiện lịch sử.” Trong khi một số người Hàn Quốc lo lắng về những kế hoạch của Bắc Kinh nhằm thống trị Đông Bắc Á, rất nhiều chiến lược gia ở Bắc Kinh xem Dự án Đông Bắc Á như việc “chặn trước” bất kỳ một  yêu sách lãnh thổ nào mà một nước Triều Tiên tái thống nhất có  thể  đòi  hỏi  đối với vùng Mãn Châu, nơi có gần 2 triệu người thiểu số Trung Quốc gốc Triều Tiên đang sinh sống.[19]

 

Như vậy, mặc dù Dự án Đông Bắc Á và Quỹ nghiên cứu Goguryeo ở hai phía đối lập trong cuộc tranh cãi về Koguryo, Trung Quốc và Hàn Quốc cùng sử dụng những chiến lược bản đồ học về sự sỉ nhục quốc gia. Và không chỉ có riêng Hàn Quốc sử dụng chiến lược bản đồ học của Trung Quốc để yêu sách lãnh thổ. Trong khi các học giả và các nhà hoạt động xã hội của Hàn Quốc lập luận rằng phần lớn Mãn Châu thực ra là của Triều Tiên, tương tự  như vậy, Thái Lan cũng có lịch sử nỗ lực yêu sách rằng các chư hầu trước đây của nước này ở  Lào, Cam-pu-chia, Assam, Miến Điện và Vân Nam là những phần không thể thiếu được của hình thù địa lý chủ quyền toàn-Thái.[20] Vì thế, Hàn Quốc và Thái Lan đã sử dụng một lôgic bản đồ học kép tương tự trong lập luận riêng của họ về “những vùng lãnh thổ bị mất” để tạo cảm hứng cho những hình thù địa lý quy chuẩn và thể hiện mong muốn để đối phó lại với chính bản đồ quốc gia của Trung Quốc.

 

Trong khi các nhà ngoại giao Trung Quốc bận rộn với những giải pháp đàm phám về những tranh chấp biên giới quốc tế, những tiếng nói thay thế tiếp tục xuất hiện cả ở Trung Quốc và nước ngoài. Đây là bằng chứng về hiệu quả của những tấm bản đồ giáo dục lòng yêu nước ở Trung Quốc và các quốc gia khác: tất cả những kẻ theo đường lối dân tộc chủ nghĩa này đều tiếp tục mong mỏi đòi lại cái mà họ coi như “những vùng lãnh thổ bị mất.” Ở một chừng mực nào đó, bản đồ học về sự sỉ nhục quốc gia rất có sức thuyết phục; chính trị sinh học của hình thù địa lý này thực sự vượt quá chiến lược ngoại giao của Bắc Kinh nhằm nỗ lực tạo dựng hình ảnh Trung Quốc như một phần của thế giới.

 

Những hình thù địa lý thay thế

 

Phản kháng với hình thù địa lý mở rộng của Trung Quốc cũng xuất hiện ở trong nước tại các khu vực biên giới của Tân Cương, Hồng Kông và Đài Loan. Ví dụ như, một thợ thủ công ở Tây Bắc Trung Quốc đã dệt nước CHND Trung Hoa như một tấm thảm để nhấn mạnh Tân Cương như một thực thể riêng biệt (Xem hình 11).[21] Tấm thảm như đùa giỡn với sự va chạm giữa hai hình thù địa lý xung đột. Một mặt, ý nghĩa của tấm thảm rất chính thức, bởi thiết kế của nó dựa trên một bản đồ đường đi của Khu tự trị dân tộc Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, cái có thể tìm thấy trong bất cứ sách bản đồ nào của Trung Quốc. Mặt khác, nó mang tính chống đối khi miêu tả Tân Cương như tách biệt hẳn với Trung Quốc, bởi thiết kế của nó mập mờ sự khác biệt giữa những đường biên giới tỉnh bên trong và những đường biên giới quốc tế bên ngoài. Theo đó, tấm thảm này đã sử dụng bản đồ học về lãnh thổ có chủ quyền để khẳng định hình thù địa lý của Tân Cương; nó không quá phản bác lôgic của các đường biên giới mà chủ yếu là tái dựng lại chúng từ những đường biên giới bên trong tới những đường biên giới bên ngoài.

 

   


Tuy nhiên, sự đối kháng ở Hồng Kông và Đài Loan tạo ra sự hoài nghi đối với những quy ước bản đồ học được cho là đúng trên bản đồ tấm thảm Tân Cương này. Thay vì tranh luận về những đường biên giới chính xác của lãnh thổ có chủ quyền, trong The Atlas: An Archaeology of an Imaginary City [Sách bản đồ: Khảo cổ học của một thành phố tưởng tượng] tiểu thuyết gia Hồng Kông Dung Kai Cheung bàn luận đến sự trở về của Hồng Kông như một vấn đề mang tính khái niệm. Trong khi Những bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia của Trung Quốc (1997) nhấn mạnh khía cạnh địa chính trị và pháp lý của việc chính sách ngoại giao dùng vũ lực và những hiệp ước bất bình đẳng của Anh quốc đã đánh cắp lãnh thổ Trung Quốc như thế nào, Sách bản đồ coi đường biên giới lãnh thổ như một nơi để trổ tài thẩm mỹ. Dung Kai Cheung do đó không phản đối chủ quyền của Trung Quốc hay Anh Quốc giống như cách đươc chờ đợi là khẳng định Hồng Kông như một lãnh thổ có chủ quyền độc lập. Đúng hơn là, ông ta sử dụng một cách tiếp cận mang tính khái niệm – và nói thẳng ra là châm biếm – để hiểu được vị trí lịch sử và địa lý chính trị đặc thù của Hồng Kông. Sách bản đồ vì thế nắm bắt được lịch sử phức tạp của Hồng Kông tại chỗ giao nhau của hai đế chế bằng việc sử dụng một loạt những khái niệm bản đồ học kỳ quặc: nơi ngược lại, nơi bình thường, nơi sai, nơi không, nơi đối lập, không nơi nào, đặc quyền ngoại giao, đường biên giới, sự không tưởng, vùng bên trên, vùng bên dưới, vùng xuyên qua, vùng thống nhất và vùng hoàn toàn. Cách tiếp cận bản đồ học phức tạp của Dung đã từ bỏ những quy ước của loại bản đồ hai kích thước để tạo lên một không gian đa chiều và trùng lặp, điều làm suy yếu cách hiểu thống trị của khái niệm hiện đại về chủ quyền lãnh thổ.[22]  Bởi vậy, Sách bản đồ đã thể hiện khá tốt động lực xuyên quốc gia của Hồng Kông, điều khó thể hiện được trên bản đồ tiêu chuẩn. Quả thực, như trong On Photography [Về thuật nhiếp ảnh] của Susan Sontag, một trong những chiến thuật của Dung để phản đối lý giải về chủ quyền lãnh thổ là từ chối trưng bày bất cứ tấm bản đồ nào.

 

Trong khi bản đồ tấm thảm sử dụng một bản đồ tiêu chuẩn để chống lại CHND Trung Hoa, còn Dung phát triển lý thuyết chống lại bản đồ để xác định Hồng Kông trong không gian xuyên quốc gia, thì ở Đài Loan những người phản đối vận dụng cả những bản đồ chính xác và bản đồ học phê phán để chống lại bá quyền của Trung Quốc. Trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, bản đồ của Trung Hoa Dân Quốc (chính phủ của những người chạy sang Đài Loan sau khi nước CHND Trung Hoa được thành lập năm 1949 ở đại lục) đã phản ánh tham vọng chính trị tái chiếm đại lục – và cả Mông Cổ. Tuy nhiên, với sự gia tăng của phong trào đòi độc lập của Đài Loan với nỗ lực nhằm tách rời hòn đảo này khỏi lãnh thổ Trung Quốc, những tấm bản đồ mới đã xuất hiện để phác họa một hình thù địa lý tự trị mới. Ngoài việc đơn giản vẽ lên hòn đảo Đài Loan như một thực thể tách biệt khỏi đại lục, những bản đồ của Đài Loan đôi khi đã phản đối những quy ước của bản đồ học hiện đại của Trung Quốc để khẳng định quan điểm riêng của họ. Theo cách vận dụng thống trị hiện nay của phép chiếu mercator, những bản đồ chính thức ở châu Á đặt phía Bắc ở trên cùng và phía Tây ở bên trái, do đó nhìn chung đã coi trọng phía Bắc hơn phía Nam và phía Tây hơn phía Đông.[23] Trên những bản đồ quốc gia Trung Quốc, Đài Loan được xác định ở góc phần tư tượng trưng xấu nhất: Đông Nam.

 

Năm 2004, Bộ trưởng giáo dục Đài Loan công bố “Bộ bản đồ theo quan điểm của Đài Loan” mới để sử dụng trong các trường trung học trên hòn đảo này, bao gồm cả bản đồ “Thay đổi cách nhìn Đài Loan” (Hình 12).[24] Tấm bản đồ cuốn hút này cố ý thách thức những quy ước bản đồ học khi đặt Đài Loan vào trung tâm của bản đồ như một quốc gia biển độc lập chứ không phải như một tỉnh ngoại vi của một cường quốc đại lục. Như những chú thích của bản đồ cho học sinh trung học:

           

Có thể tấm bản đồ này đang làm mọi người bối rối bởi nó thay đổi từ vị trí bình thường, nơi mà hướng Bắc ở phía trên và hướng Nam ở bên dưới, sang vị trí với hướng Đông Nam ở phía trên và Tây Bắc ở bên dưới. Tấm bản đồ này cho phép chúng ta quan sát các nước láng giềng của chúng ta rõ hơn, từ Nhật Bản ở bên trái tới Phi-líp-pin và In-đô-nê-xia ở bên phải. Những quốc gia Đông Á này không chỉ là láng giềng của chúng ta; theo quan điểm về môi trường địa lý, họ còn là những người anh em của Đài Loan.


 

 


Rất nhiều người ủng hộ Đài Loan tái hợp nhất với Trung Quốc đã nổi giận vì cái mà họ cho là “một sự chính trị hóa” bản đồ Đài Loan. Nhưng điều thú vị nhất về tấm bản đồ “Thay đổi cách nhìn Đài Loan” này chính là việc tấm bản đồ lạ thường này cho thấy chúng ta đã nỗ lực như thế nào để giải thích không chỉ tấm bản đồ này mà còn là bất kỳ tấm bản đồ khác. Do đó, mục đích của tấm bản đồ này không chỉ là thể hiện Đài Loan, những ghi chú của nó chỉ cho ta thấy rằng mục đích của nó là “chất vấn một cách gay gắt hệ thống những cộng cụ của bản đồ học,” bao gồm việc xác định “phạm vi và vị trí, cách phác thảo, cách lựa chọn nội dung, và việc lựa chọn những ký hiệu, v.v.” của bản đồ.

 

Trong khi những bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia thường tránh né mâu thuẫn giữa lãnh thổ phong kiến và lãnh thổ có chủ quyền và do đó mập mờ mối quan hệ của việc chúng được tạo ra như thế nào thì tấm bản đồ mang quan điểm của Đài Loan thành thực hơn nhiều về cách mà nó sử dụng các quy ước để tạo ra ý nghĩa chính trị. Trong khi những chú giải của bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia về “những vùng lãnh thổ bị mất” (cái mà chúng ta được cho biết đã là của Trung Quốc “từ thời cổ xưa”) có xu hướng tự nhiên hóa không gian mập mờ như vùng lãnh thổ quốc gia, những chú giải trên bản đồ “Thay đổi cách nhìn Đài Loan” đã nhấn mạnh nó đã được tạo ra như thế nào và cho lập trường riêng biệt của Đài Loan; đó chính là lý do tại sao nó gây nhiều tranh cãi – và cũng rất thành công.

 

Như ở Tân Cương và Hồng Kông, người dân ở Đài Loan sử dụng sáng tạo những chiến lược bản đồ học để thách thức sự chuyển đổi đơn giản từ giang sơn phong kiến thành lãnh thổ quốc gia của Trung Quốc. Đặc biệt là, ba hình thù địa lý thay thế này chống lại chiến thuật cuối cùng là vẽ bản đồ theo riêng lập trường của Bắc Kinh.

 

Hai phần cuối này về ngoại giao biên giới và những hình thù địa lý thay thế nhấn mạnh bản chất chính trị sinh học của bản đồ học về sự sỉ nhục quốc gia. Chúng cho thấy cách thức trùng lặp không chỉ giữa giang sơn phong kiến và lãnh thổ có chủ quyền; mà việc kiểm soát chủ quyền lãnh thổ cũng hoà quyện với kiểm soát dân cư sắc tộc ở vùng ngoại vi và vùng trung tâm.

 

Kết luận: Địa chính trị và chính trị sinh học trong sự xung đột sáng tạo                                             

 

Trong khi chúng ta giả định rằng có thể dễ dàng xác định vị trí “Trung Quốc” trên bản đồ, những tấm bản đồ cuốn hút và phức tạp này chỉ ra rằng cuộc tranh cãi về nơi Trung Quốc bắt đầu và kết thúc vẫn đang còn tiếp diễn, nhất là trong những cuộc tranh luận nội bộ giữa các nhà trí thức Trung Quốc. Những tấm bản đồ này đã thể hiện một cách sinh động rằng quá trình chuyển tiếp từ ngành vũ trụ học của phong kiến Trung Quốc sang địa lý khoa học hiện đại vẫn chưa hoàn thành. Trên thực tế, hình thù địa lý của Trung Quốc thực sự xuất hiện bởi sự tác động qua lại của những quy ước bản đồ học mâu thuẫn trái ngược của không gian lãnh thổ phong kiến và không gian lãnh thổ có chủ quyền. Tuy nhiên sau một thế kỷ tô vẽ, hình thù địa lý của Trung Quốc không ổn định và cũng không áp đặt được; nó đối mặt với sự đối kháng khá tập trung trên nhiều mặt trận.

 

Tài liệu bằng tiếng Trung nghiên cứu ở đây hiếm khi xuất hiện trong những phân tích về Trung Quốc bằng ngôn ngữ phương Tây. Mặc dù nó không nhất thiết là quan điểm chi phối, việc hiểu được cách thức mà bản đồ sỉ nhục quốc gia vẫn thúc đẩy những hiểu biết chính thức, học thuật, và quần chúng về tính lãnh thổ quốc gia ở Trung Quốc là rất cần thiết. Quan trọng nhất, những tấm bản đồ cho thấy một xu hướng lo lắng kỳ lạ phổ biến trái với hình ảnh tích cực hiện tại của Bắc Kinh với Trung Quốc như một cường quốc “đang trỗi dậy một cách hoà bình.”

 

Nhưng điều này không phải để nói rằng Trung Quốc có những tham vọng địa chính trị đòi lại lãnh thổ trong thế kỷ 21. Mục tiêu của những tấm bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia không còn chủ yếu để giành lại lãnh thổ bị mất nữa; mà là để gột sạch những vết nhơ danh dự và niềm kiêu hãnh bị mất. Khát khao ở đây không phải là lãnh thổ thực tế mà phần nhiều là một sự công nhận, thừa nhận và tôn trọng mang tính hình thức. Do đó, những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt mang tính chính trị sinh học hơn đơn thuần chỉ là địa chính trị; thay vì bắt nguồn từ một vài “Âm mưu to lớn của phương Tây” (Xem hình 2), những thách thức này lại xuất hiện ở chính sân sau của Trung Quốc thông qua những mối quan hệ bản đồ học và kí hiệu của nước này với Nga, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam, các quốc gia Trung Á mới, và Đài Loan. Nếu có chăng thì những tấm bản đồ này hàm ý rằng, thay vì tìm kiếm thêm lãnh thổ ở nước ngoài, Bắc Kinh chú trọng nhất đến những thách thức chính trị sinh học do các nhóm dân tộc thiểu số gây ra như những người Tây Tạng chiếm đóng những vùng biên giới mà đã thuộc chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.

 

Bản đồ học về sự sỉ nhục quốc gia đặc biệt nổi bật ở Trung Quốc, tuy nhiên những đấu tranh chính trị sinh học về hình thù địa lý quốc gia của Trung Quốc đã tạo tiếng vang vượt quá biên giới của nó. Một mặt, những nhà hoạt động xã hội ở các quốc gia khác cũng vẽ lên những hình thù địa lý thể hiện mong muốn để tái yêu sách “những vùng lãnh thổ bị mất”: Ai-xơ-len, Ixraen, Mê-xi-cô, và vân vân. Mặt khác, một vài nhóm xuyên quốc gia đang tưởng tượng về những hình thù địa lý chuẩn mực như một cách thức để vượt qua các bản đồ địa lý chính trị hiện tại: những người Kurd, những người Basque, và vân vân. Những hình thù địa lý thay thế này không chỉ tưởng tượng ra những đường biên giới lãnh thổ mới mà còn kiểm soát cả những hy vọng và những lo sợ của các cộng đồng dân cư. Do đó, trong khi nhiều người tuyên bố có một sự chuyển đổi quan trọng từ địa chính trị sang chính trị sinh học, bản đồ học về sự sỉ nhục quốc gia cho thấy địa chính trị và chính trị sinh học được hòa quyện vào nhau dưới một sự xung đột sáng tạo, điều thúc đẩy việc kiểm soát các đường biên giới lãnh thổ giống như điều chỉnh dòng chảy của dân cư.

 

Do đó, những tấm bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia (giống như tất cả các bản đồ) cho chúng ta biết không chỉ đơn thuần về chúng ta đang ở đâu mà còn chúng ta nên cảm thấy như thế nào. Hiểu theo phương diện này, bản đồ quốc gia là một phần của khái niệm rộng hơn là an ninh quốc gia, vốn thường cho chúng ta biết ít hơn về địa chính trị của việc bảo vệ các đường biên giới lãnh thổ so với về chính trị sinh học của việc “cho chúng ta biết chúng ta phải trở thành ai.”[25] Và chúng ta phải ở đâu.

 

Danh mục bản đồ tham khảo

 

1418 map. www.1421.tv/assets/images/maps/1418_map_download.jpg.

Aiguo ditu: Guochi yu guochan yilan [Bản đồ yêu nước: Sỉ nhục quốc gia và tài sản quốc gia dưới một góc nhìn]. Cuộc họp của chính quyền trung ương, cuộc họp chi nhánh ở Vũ Hán, 1929. Thư viện quốc gia Trung Quốc.

BaoRi qiangzhan woguo dongbei guochi tu [Bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia: Sự chiếm đóng hung tàn của Nhất Bản đối với vùng Đông bắc của đất nước ta]. Shanghai: n.p., ca. 1932. Sưu tập của Daniel K. E. Ching, Kho lưu trữ học viện Hoover, trường hợp bản đồ 93021.

Da Qing wannian yitong dili quantu [Bản đồ hoàn cầu hoàn chỉnh của đế chế Đại Thanh thống nhất]. 1816. Thư viện Quốc hội, hdl.loc.gov/loc.gmd/g7820.ct002256.

Huan ge jiaodu kanTaiwan [Thay đổi cách nhìn Đài Loan], sưu tầm bởi khoa Địa lý, Đại học quốc gia Đài Loan. Đài Bắc: Ủy ban các vấn đề về văn hóa, 2004.

Huayi tu [Bản đồ về sự văn minh và sự man di]. 1136. Thư viện Quốc hội.

Bản đồ không tiêu đề. 1743. Thư viện Anh quốc.

Zhongguo guochi ditu, zaiban [Bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia của Trung Quốc, Tái bản]. Shanghai: Zhonghua Shuju, 1927. Đại học Hồng Kông Trung Quốc.

Zhongguo jianming guochi yutu [Bản đồ đơn giản về sự sỉ nhục quốc gia của Trung Quốc]. Ban khảo sát quân đội Giang Tô, 1928. Thư viện quốc gia Trung Quốc.

Zhonghua guochi ditu [Bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia Trung Hoa]. Thượng Hải: Hội bản đồ học trung ương, 1916. Đại học Cornell.

Zhonghua guochi ditu [Bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia Trung Hoa]. Chính quyền tỉnh Hà Nam, 1922. Thư viện quốc gia Trung Quốc.

Zhonghua guochi ditu [Bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia Trung Hoa]. Hiệp hội Công nghiệp và Thương mại của Tỉnh Hà Bắc , 1929. Thư viện quốc gia Trung Quốc, Giới học thuật Trung Quốc, Thư viện Quốc hội.

Zhonghua guochi ditu (Map of Chinese national humiliation) [Bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia Trung Quốc]. Wuchang: Hội địa lý Yaxin, 1931. Thư viện quốc gia Trung Quốc, Giới học thuật  Sinica, Thư viện Quốc hội.

Zuixin xiangxi Zhonghua minguo diyu quantu [Bản đồ chi tiết đầy đủ mới nhất của Trung Hoa Dân Quốc] . N.p., 1923. Đại học Harvard-Pussey.

 

Bản đồ học về sự sỉ nhục quốc gia và sự xuất hiện của hình thù địa lý Trung Quốc

William A.Callahan

 

Bản đồ là một phần quan trọng trong việc tạo dựng và sử dụng hình ảnh quốc gia. Bài viết này nghiên cứu những bản đồ hiện đại của Trung Quốc để chỉ ra cách mà những biên giới rất cụ thể giữa không gian trong và ngoài nước là kết quả tự nhiên của các công trình biểu tượng của địa lý học lịch sử và những quy ước của bản đồ học Trung Quốc. Những tấm bản đồ này không chỉ dừng ở việc ngợi ca phạm vi chủ quyền của Trung Quốc mà còn đau đớn trước mất mát lãnh thổ quốc gia thông qua bản đồ học về sự sỉ nhục quốc gia. Mục tiêu của bài viết này là hướng sự chú ý của chúng ta từ các vấn đề ngoại giao về biên giới quốc tế sang nghiên cứu những gì mà bản đồ Trung Quốc của Trung Quốc có thể cho chúng ta biết về những hi vọng và những lo sợ của người Trung Quốc, không chỉ trong quá khứ hay hiện tại mà còn ở tận tương lai. Bài viết này có hai mục tiêu tổng quát: (1) giải thích những bản đồ quốc gia hiện tại của Trung Quốc đã xuất hiện như thế nào thông qua sự xung đột sáng tạo giữa lãnh thổ phong kiến không giới hạn và lãnh thổ có chủ quyền bị giới hạn, và (2) cho thấy cách mà bản đồ học về sự sỉ nhục quốc gia thể hiện chính trị sinh học của hình thù địa lý. Bài viết kết luận rằng kinh nghiệm thường là độc nhất vô nhị của Trung Quốc có thể cho chúng ta thấy bản đồ học cũng có vị trí quan trọng như thế nào trong cuộc đấu tranh của các dân tộc khác.

 

Bản quyền của Văn hóa công cộng thuộc sở hữu của Nhà xuất bản Đại học Duke và nội dung của nó không thể bị sao chép, gửi qua thư điện tử tới nhiều nơi hoặc đưa lên một listserv khi không có sự cho phép được viết rõ ràng của người giữ bản quyền.Tuy nhiên, người dùng có thể in, tải về, hay gửi qua thư điện tử các bài báo cho mục đích sử dụng cá nhân.

 


[1] M. Taylor Fravel, “Regime Insecurity and International Cooperation: Explaining China’s Compromises in Territorial Disputes,” International Security 30 (2005): 46; đọc thêm Đọc tác giả Maria Chang, “Chinese Irredentist Nationalism,” trong Return of the Dragon (Boulder, Colo.: Westview, 2001), 205 – 26.

[2] Old Secretariat, Chinese Aggression in Maps: Nine Maps, with an Introduction and Explanatory Notes (Delhi: Publications Division, 1962); Những quan ngại của Đông Nam Á được trích của tác giả Greg Austin, China’s Ocean Frontier: International Law, Military Force, and National Development (Sydney:Allen and Unwin, 1998), 331.

[3] Đọc tác giả Allen Carlson, Unifying China, Integrating with the World: Securing Chinese Sovereigntyin the Reform Era (Stanford, Calif.: Stanford University Press, 2005), 49 – 91, 231;và Fravel, “Regime Insecurity.”

[4] Về những tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc từ 1949 đến 2005, đọc tác giả Fravel, “Regime Insecurity,” 56 – 57, bảng 1.

[5] Carlson, Unifying China, 50.

[6] Carlson, Unifying China, 65.

[7] Đọc tác giả Mark C. EllioTrung Quốc, “The Limits of Tartary: Manchuria in Imperial and National Geographies,” Journal of Asian Studies 59 (2000): 603 – 46.

[8] “BaoRi qiangzhan woguo dongbei guochi tu” [“Bản đồ về sự sỉ nhục quốc gia: Sự chiếm đóng hung tàn của Nhất Bản đối với vùng Đông bắc của đất nước ta”] (Shanghai: n.p., ca. 1932).

[9] Zhang Qingmin, “Global Challenges, Domestic Pressures, and the Making of China’s Foreign Policy” (Bài luận văn được giới thiệu tại hội nghị khai trương Trung tâm Trung Quốc của liên trường đại học Anh Quốc, Oxford, tháng  2007), 12; trao đổi thư từ điện tử  với  Zhang, ngày 29 tháng 7 2007.

[10] Trong tiếng Trung, khu vực thường được gọi là Ngoại Đông Bắc (wai dongbei), và trong Tiếng Anh, Ngoại Mãn Châu. Nhưng trang Web nói rõ rằng cả hai đều hàm ý về duy nhất một vùng lãnh thổ bị mất (baike.baidu.com/view/173829.htm [accessed March 10, 2008]). Xem thêm ở trang Wikipedia của Trung Quốc, nơi thậm chí chi tiết hơn và có một tấm bản đồ màu đánh dấu “những vùng lãnh thổ bị mất” bằng màu đỏ  (zh.wikipedia.org/wiki/%E5%A4%96%E6%9D%B1%E5%8C%97 [accessed March 10, 2008]).

[11] Đọc tác giả Zhonghua Bantu Wang (Mạng bản đồ Trung Quốc),

www.uc321.net/bbs/viewthread.php ?tid=3303&extra=page%3D1 (truy cập vào 10 tháng 3 năm 2008); và Taizhou Qingnian Luntan (Taizhou Diễn đàn thảo luận của thanh niên),

www.tz94.com/bbs/read.php?tid=46943 (truy cập vào 10 tháng 3 năm 2008).

[12] Đọc tác giả John Garnaut, “Russia on Edge as China Grows,” Sydney Morning Herald, 9 tháng 6 2008, business.smh.com.au/business/russia-on-edge-as-china-grows; Mikhail Alexseev, “The ‘Yellow Peril’ Revisited: The Impact of Chinese Migration in Primorskii Krai,” Chương trình về sự tiếp cận mới với An ninh Nga (PONARS), Một loạt Ghi nhớ Chính sách, số. 94 (tháng 10 năm 1999): 2 – 3; và Alexander Lukin, The Bear Watches the Dragon: Russia’s Perceptions of China and the Evolution of Russian- Chinese Relations since the Eighteenth Century (London: Sharpe, 2002).


[13] Peter Hays Gries, “The Koguryo Controversy, National Identity, and Sino-Korean Relations Today,” East Asia 22 (2005): 3; Austin Ramzy, “Rewriting History,” Time, 16 tháng 8 năm 2004.

www.time.com/time/magazine/article/0,9171,501040823-682338,00.html.

[14] Đọc “China’s Claims for Korean History Revealed,” Chosun Ilbo, ngày 4 tháng 6 năm 2007,

english.chosun.com/w21data/html/news/200706/200706040026.html.

[15] Gries, “Koguryo Controversy,” 3 – 4; Ramzy, “Rewriting History.” Có rất nhiều tài liệu xuất bản của Trung Quốc về Koguryo từ Dự án Đông Bắc Á. Để biết thêm những thảo luận về những yêu sách đối với Vương quốc Koguryo như một chư hầu trước đây, đọc tác giả  Ma Dazheng and Jin Xizheng, eds., Gaoguli Bohai lishi wenti yanjiu lunwenji [Những tiểu luận về lịch sử của of Koguryo and Parhae] (Yanji, Jilin: Yanbian Daxue Chubanshe, 2004).

[16] Park Woo-Jung, “ ‘Goguryeo, Trung Quốc,’ và ‘Dokdo, Nhật Bản’?” Hankyoreh 12 tháng 1, 2004, Dịch trong Korea Focus, tháng 1 – tháng 2 năm 2004.

[17] Park Young-sun, “‘Dự án Đông Bắc Á’ của Trung Quốc: triển khai một ‘Cuộc chiến tranh lịch sử?” Korean Historical Review, Dịch trong Korea Focus, tháng 9 – tháng 10 năm 2004.

[18]MapHintsChineseTerritory as Ancient Korean,” Korea Times, 21 tháng 11 năm 2007; “GoguryeoKingdom (BC 37 – AD 668),” kokuryo.com (truy cập ngày 3 tháng 10 năm 2008).

[19] Chuyên gia quan hệ quốc tế giấu tên, tác giả thực hiện phỏng vấn, Bắc Kinh, 13 tháng 7 năm 2007; Gries, “Koguryo Controversy,” 5 – 6; Park, “China’s ‘Northeast Asia Project.’ ”

[20] Đọc, ví dụ như, Trung Quốc đã mất lãnh thổ vào tay Pháp như thế nào (Băng-cốc: Bộ Công cộng, 1940). Những bản đồ trong cuốn sách chính thức này có từ Thế chiến thứ  II, khi đế quốc Pháp không thể bảo vệ các thuộc địa Đông Dương của mình, những nước đã bị Nhật Bản và Thái Lan chiến đóng. Sau chiến tranh, Băng-cốc đã bị buộc phải trả lại các vùng lãnh thổ mới giành lại được của mình. Tuy vậy, những quan điểm  như vậy về không gian Thái mở rộng tiếp tục truyền cảm hứng cho những phong trào không chính thức toàn-Thái trong thế kỷ 21.

[21] Bức ảnh về tấm thảm được Ablimit Baki chụp tại một cơ sở dệt ở Hotan, 2005.

[22] Dung Kai Cheung (Dong Qizhang), Dituji: Yige xiangxiangde chengshide kaoguxue [Sách bản đồ: Khảo cổ học của một thành phố tưởng tượng] (Taibei: Lianhe Wenxue, 1997).

[23] Để phân tích về sự phân cấp đúng quy cách của bản đồ học, vốn coi trọng phần bên trái phía trên hơn phần  bên phải phía dưới, đọc tác giả Mignolo, Darker Side, 259.

[24] “Huan ge jiaodu kanTaiwan” [“Thay đổi cách nhìn Đài Loan”], Khoa Địa lý, Đại học quốc gia Đài Loan (Đài Bắc: Ủy ban các vấn đề văn hóa, 2004).


[25] R. B. J. Walker, “The Subject of Security,” trong Critical Security Studies, biên tập Keith Krause và Michael C. Williams (Minneapolis: University of Minnesota Press, 1997), 71 – 72